Thị trường bất động sản đã qua đáy?
Tọa đàm "Tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho bất động sản" |
Theo ông Châu, không chỉ cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ vướng mắc pháp lý tác động rất lớn đến thị trường bất động sản mà ngay cả các cấp lãnh đạo, ban, ngành đều hiểu rõ vấn đề này. Vì vậy, HoREA đã báo cáo Chính phủ, khó khăn lớn nhất chính là pháp lý, chiếm đến 70% vướng mắc của các dự án.
Cụ thể hơn, trong 3 cấp độ vướng, lớn nhất là một số quy định thiếu tính đồng bộ, mâu thuẫn, xung đột pháp luật. Một số quy định trong văn bản dưới luật có liên quan đất lĩnh vực bất động sản cũng vướng. Đặc biệt, vướng mắc trong thực thi pháp luật của cán bộ, viên công chức các sở, ngành. Cùng một văn bản nhưng có địa phương giải quyết tương đối tốt, còn một số địa phương không tháo gỡ được, gây ách tắc cho các dự án tại địa phương.
Thứ hai là tiếp cận nguồn vốn. Ngoài vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp bất động sản thời gian qua bám vào 4 nguồn vốn khác: Từ thị trường chứng khoán, với hơn 169 doanh nghiệp niêm yết liên quan bất động sản là rất ít, không đủ khai thác vốn; từ trái phiếu nhưng từ quý III/2022 đã bị tắc, đến nay thị trường trái phiếu vẫn vướng mắc dù đã có Nghị quyết 08 để điều chỉnh; tín dụng từ các ngân hàng thương mại là nguồn vốn mồi, đóng vai trò "bà đỡ", là trợ lực lớn cho doanh nghiệp nhưng chưa khai thác được; nguồn vốn từ khách hàng, đối tác, nhưng khi những điểm vướng ban đầu chưa thông thì vướng này cũng tắc.
Đặc biệt về vốn từ đối tác, vốn nước ngoài (FDI) lại ép doanh nghiệp trong nước "bán rẻ" dự án, hoặc phải chiết khấu cao mới chịu đầu tư. Đây là yếu thế cho doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba là về thị trường. Căn cứ số liệu Sở Xây dựng TP.HCM, có thể cho rằng vùng đáy từ quý I/2023 khi tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản âm 16,1%. Nhiều người cho rằng vùng đáy của thị trường bất động sản đâu đó vào tháng 4, tháng 5 năm nay. Kết thúc quý II/2023, thị trường vẫn tăng trưởng âm hơn 11%. Nhưng từ quý III vừa qua chỉ còn âm hơn 8%.
Về vướng mắc pháp lý, từ đầu năm đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành đã bàn nhiều giải pháp, nỗ lực "giải cứu" thị trường bất động sản.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Còn kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra và đang xem xét chỉnh sửa đối với 3 dự án luật quan trọng liên quan lĩnh vực bất động sản, gồm: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) để Quốc hội biểu quyết thông qua...
Những thay đổi trên cho thấy thị trường bất động sản có thể đã qua đáy. Đặc biệt theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến hết tháng 9 đã có 19 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình gói tín dụng 120.000 tỉ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỉ đồng. Trong đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay là 24.655 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tại TP.HCM, tình hình thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn cần được quan tâm, hỗ trợ.