Thị trường bất động sản đang bước vào một chu kỳ phát triển mới
Đâu là thời điểm phục hồi của thị trường bất động sản? Thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất Nhiều vấn đề cần tháo gỡ để thị trường bất động sản phát triển |
Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phát biểu tại diễn đàn. |
Thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất
Phát biểu tại “Diễn đàn bất động sản 2024 - Vượt qua thách thức” do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 5/1, bà Phạm Thị Miền, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và tư vấn, xúc tiến đầu tư, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, năm 2023 là một năm đầy “vất vả” với thị trường bất động sản Việt Nam.
“Rất nhiều khó khăn tồn tại dưới dạng ẩn từ các thời kỳ trước, lần lượt ngoi lên, xiết chặt khiến thị trường trở nên lao đao, điêu đứng. Khoảng thời gian này là hệ quả của quá trình phát triển thiếu kiểm soát, kém minh bạch và an toàn của thị trường trong suốt một thời gian dài trước đó”, bà Miền chia sẻ.
Năm 2023 qua đi để lại khá nhiều “dấu ấn” không mấy tốt đẹp đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Đây là năm có 1286 doanh nghiệp giải thế, tăng 7,7% so với năm 2022; 3705 doanh nghiệp bất động sản ngừng có thời hạn, tăng 47,4%. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đạt 4.725, giảm 45%. Hàng nghìn môi giới mất việc, bỏ nghề. Chỉ còn khoảng 20% môi giới bất động sản đang hoạt động.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, năm 2023, thị trường bất động sản bị phủ bởi một gam màu xám ảm đảm khi hàng ngàn dự án tạm dừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp giải thể hoặc tạm dừng hoạt động.
Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay, từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung của tình hình kinh tế, bất động sản thế giới cũng như nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi phát triển.
Trong năm qua, sức mua và thanh khoản giảm, nguồn cung thiếu, dư thừa sản phẩm cao cấp trong khi thiếu các phân khúc phù hợp với túi tiền của người dân.
Trong bối cảnh đó, theo ông Hoàng Hải, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành đã làm việc với quyết tâm cao nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống khung pháp lý, chính sách đối với các hoạt động kiểm soát, điều chỉnh, hỗ trợ thị trường bất động sản để đảm bảo tính đồng bộ, liên thông của hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tín dụng và giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Các chính sách được ban hành như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bắt động sản đã được thông qua. Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét để thông qua tại kỳ họp Quốc hội thời gian tới dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Theo đại diện Bộ Xây dựng, 5 Luật này khi có hiệu lực sẽ thực sự là bước thay đổi lớn tác động mạnh làm tăng nguồn cung cũng như điều tiết giá thị trường bất động sản phù hợp với người dân hơn.
Ông Hoàng Hải cho rằng, thị trường bất động sản đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất. Về tổng thể, thị trường bất động sản hiện nay vẫn còn rất khó khăn, nhưng mức độ khó khăn có xu thế giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
Theo bà Phạm Thị Miền, trong năm 2023 đã có 2270 doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tăng 9,1%. Nguồn cung và giao dịch trong quý IV đã có sự cải thiện khi tổng cung đạt 21.774 sản phẩm, tăng 6% so với quý III/2023. Trong đó, có khoảng 7.000 sản phẩm lần đầu tiên ra mắt trên thị trường.
Nền móng cho chu kỳ phát triển mới
TS. Nguyễn Văn Đính cho biết, thời điểm hiện tại chưa thể đánh giá hết được những khó khăn của thị trường bất động sản trong năm 2024, nhưng khả năng cao vào giai đoạn cuối năm sẽ dần đi vào ổn định và có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, sẽ là khoảng thời gian tạo nền cho thị trường bước vào một chu kỳ phát triển mới.
"Năm 2024 khả năng cao sẽ là năm cuối cùng của quá trình “vượt chướng ngại vật” của thị trường bất động sản Việt Nam. Thị trường sẽ dần đi vào “ổn định” và bức tranh toàn cảnh có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn", TS Nguyễn Văn Đính chia sẻ.
Các thay đổi trong luật mới tuy chưa được áp dụng nhưng sẽ là tín hiệu tích cực để các chủ thể gửi gắm niềm tin và sốc lại tinh thần cho công đoạn chuẩn bị trong thời kỳ sắp tới. Song song với các giải pháp tháo gỡ các khó khăn về mặt pháp lý, nguồn vốn cho thị trường bất động sản, thì “niềm tin” của khách hàng và nhà đầu tư vẫn sẽ là yếu tố tiếp tục được quan tâm và tập trung các biện pháp nhằm giải tỏa trong năm 2024.
“Trong quý I, quý II/2024, thị trường sẽ tiếp tục tín hiệu tốt từ thời điểm cuối năm 2023, nhưng rõ nét nhất dự báo từ quý III/2024. Thị trường ngày càng được khôi phục, trong khi lực lượng môi giới bất động sản đang cho thấy sự thiếu hụt. Năm 2024, ngành bất động sản sẽ đón nhận sự quay trở lại của khoảng 30-40% môi giới”, TS. Nguyễn Văn Đính nhận định
Các chương trình mở bán quy mô lớn cùng chiến dịch truyền thông rầm rộ sẽ diễn ra một cách thường xuyên và liên tục hơn. Đây được xem là hành động quyết liệt, thể hiện sự quyết tâm sinh tồn rất cao của các chủ đầu tư trong nỗ lực vượt qua khó khăn. Cùng với đó, các cơ chế, chính sách, đặc biệt liên quan đến tín dụng đạt được độ ngấm sẽ cho thấy rõ hơn các tác động tích cực đến thị trường.
Bà Miền chia sẻ, tuy chưa thể khẳng định thị trường sẽ đạt được các kết quả rực rỡ trong năm 2024. Nhưng chắc chắn 2024 chính là “viên gạch đầu tiên” xây nền móng cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam.