Thị trường bất động sản Hải Phòng kỳ vọng phát triển đồng loạt các phân khúc
Thị trường bất động sản Hải Phòng có nhiều tín hiệu khởi sắc Động lực cho thị trường bất động sản Hải Phòng bứt phá Hải Phòng đang trở thành điểm nóng bất động sản nhờ hạ tầng phát triển |
Dự kiến 6 tháng cuối năm 2023, thị trường bất động sản Hải Phòng sẽ chào đón thêm 25.100 căn hộ mới. |
Theo báo cáo tiêu điểm thị trường bất động sản Hải Phòng 6 tháng năm 2023 của Savills Việt Nam, nguồn cung căn hộ tại Hải Phòng đạt 11.696 căn từ 11 dự án, trong đó 46% nguồn cung là căn hộ đến từ các dự án tại quận Lê Chân. Mức giá sơ cấp trung bình là 45 triệu đồng/m2, thấp hơn 15% so với giá sơ cấp trung bình tại Hà Nội cùng thời điểm.
Kể từ năm 2019, giá sơ cấp trung bình căn hộ tại Hải Phòng tăng liên tiếp 8%/năm.
Dự kiến, từ 6 tháng cuối năm 2023 trở đi, thị trường sẽ chào đón thêm 25.100 căn hộ mới. Trong đó, Thủy Nguyên chiếm thị phần lớn nhất với 56% nhờ quỹ đất lớn và nhu cầu gia tăng từ các khu công nghiệp tại đây, bao gồm Nam Cầu Kiền và VSIP Hải Phòng.
Đối với phân khúc biệt thự liền kề, nguồn cung đạt 6.774 căn, tăng 5% theo năm. Quận Lê Chân có nguồn cung lớn nhất chiếm 33%. Nguồn cung sơ cấp ghi nhận 330 căn, thấp hơn 59% so với thị trường Hà Nội.
Giá bán sơ cấp trung bình biệt thự liền kề đạt 49 triệu đồng/m2 đất, thấp hơn 240% tại Hà Nội. Về nguồn cung tương lai, từ 6 tháng cuối năm 2023 trở đi, dự kiến thị trường Hải Phòng sẽ đón nhận thêm 19 dự án, trong đó Thủy Nguyên tiếp tục là khu vực chiếm tới 67% nguồn cung tương lai.
Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội, cho biết: “Thị trường nhà ở thấp tầng tại Hải Phòng diễn ra chậm trong nửa đầu năm 2023 do nguồn cung sơ cấp hạn chế. Thị trường đang đứng trước cơ hội khai thác nguồn cầu bị nén lại thời gian vừa qua. Nguồn cung tương lai có thể có kết quả triển khai tốt nếu đáp ứng được các yêu cầu về pháp lý, sản phẩm, giá bán cũng như tiếp cận thuận lợi trên đà đầu tư mạnh về hạ tầng, tiện ích toàn thành phố”.
Vị chuyên gia đồng thời đánh giá, lợi thế của Hải Phòng đến từ nền tảng cơ bản vững chắc, cùng với các dự án lớn như Vinhomes Vũ Yên sẽ mở bán giai đoạn 1 trong năm 2023. Do đó, Hải Phòng sẽ trở thành điểm nóng đối với thị trường bất động sản nhà ở đối với các chủ đầu tư, người mua để ở, nhà đầu tư.
Bên cạnh tiềm năng của thị trường nhà ở, bất động sản thương mại cũng là phân khúc đáng chú ý trong thời gian tới. Trong quý II/2023, công suất bán lẻ tại 15 dự án tại Hải Phòng đạt 79% với giá thuê tầng trệt trung bình đạt 741.000 đồng/m2/tháng.
Mật độ bán lẻ tại Hải Phòng được đánh giá khá cạnh tranh với mức 0.08 m2/người, chỉ xếp sau các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Theo báo cáo của của Savills, từ năm 2023 đến 2025, dự kiến sẽ có thêm 2.473 ha từ 7 dự án khu công nghiệp mới gia nhập thị trường Hải Phòng. Phát triển công nghiệp dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu nhà ở và thương mại do gia tăng lực lượng lao động, cũng như cộng đồng người nước ngoài tại thành phố.
Theo Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn 2050, mục tiêu sẽ xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hóa, động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước, có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.
Cũng theo Quy hoạch này, dân số Hải Phòng đến năm 2030 đạt khoảng 2,8 - 3,0 triệu người, dân số đô thị khoảng 2,0 - 2,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 74 - 76%. Đến năm 2040, dân số sẽ đạt 3,9 - 3,7 triệu người, dân số đô thị khoảng 3,2 - 4,0 triệu người với tỷ lệ đô thị hóa đạt 80-86%. Số liệu cho thấy bức tranh về nguồn cầu bất động sản nhà ở tiềm năng tại thành phố này.
Bà Đỗ Thu Hằng nhận định: “Có thể thấy, nhu cầu mua bất động sản ở Hải Phòng luôn hiện hữu và sẽ tiếp tục tăng, ảnh hưởng lớn từ việc phát triển các khu công nghiệp kèm theo sự phục hồi của lực lượng lao động, tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”.
Việc thành phố phát triển theo mô hình “đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh” đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho bất động sản. Theo đó, ba trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh bao gồm: Trung tâm đô thị lịch sử và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; Trung tâm thương mại, tài chính quốc tế ở Hải An và Dương Kinh và Đô thị sân bay Tiên lãng. Các đô thị vệ tinh gồm các đô thị trong vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, Thủy Nguyên sẽ trở thành thành phố vào năm 2025, trở thành trung tâm hành chính và chính trị mới của Hải Phòng. Việc quy hoạch đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh được đánh giá sẽ góp phần tạo ra không gian phát triển cho thị trường, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng các sản phẩm bất động sản.
Bà Hằng chia sẻ, khi thành phố mở rộng, nguồn cầu cho thị trường thương mại và lưu trú sẽ gia tăng. Điều này tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và các chủ đầu tư khai thác thị tường tại Hải Phòng.
Cộng thêm lợi thế có sẵn từ hạ tầng giao thông, những nỗ lực của thành phố trong việc phát triển không gian đô thị, thị trường Hải Phòng được kỳ vọng sẽ phát triển đồng loạt các phân khúc. Các lĩnh vực đầu tư rất đa dạng và thu hút sự tham gia đầu tư từ phát triển dịch vụ hậu cần, bến cảng cho tới chủ đầu tư các dự án nhà ở tìm kiếm các phân khúc mới nổi như nhà ở công nhân.