Thị trường bất động sản hiện nay không hề khủng hoảng
Nghị quyết 33: Cởi bỏ được tâm lý e ngại, mất niềm tin vào thị trường bất động sản Thị trường bất động sản: Những tín hiệu lạc quan Thị trường bất động sản đang tồn tại 4 vướng mắc lớn |
TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Thu lần thứ nhất. |
Ngày 28/9, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) phối hợp tổ chức Diễn đàn Bất động sản Mùa Thu lần thứ nhất, chủ đề: “Dự báo thời điểm phục hồi của thị trường bất động sản và khuyến nghị đầu tư”; công bố báo cáo nghiên cứu: Thị trường bất động sản Việt Nam - Hành trình “vượt bão” và động lực phục hồi.
Thị trường bất động sản đang ở giai đoạn thanh lọc
Theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản hiện nay không hề khủng hoảng mà đây là khó khăn chung của thế giới. Nếu có thì chỉ “khủng hoảng niềm tin” chứ không phải “khủng hoảng thị trường”.
Một năm qua, thị trường bất động sản rất khó khăn. Hiện nay là thời điểm rất thuận lợi để bàn thảo những vấn đề về hồi phục thị trường bởi các cơ sở để khẳng định điều này đã dần xuất hiện.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng có 6 yếu tố liên quan đến thị trường bất động sản. Cụ thể, về kinh tế vĩ mô, kinh tế thế giới và Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, năm 2024 - 2025 sẽ tốt hơn.
Hiện lạm phát và lãi suất không còn tăng và đang giảm dần. Tính đến tháng 8, lạm phát đã duy trì được mức 4,57%. Về lãi suất, tính đến ngày 1/9, lãi suất qua đêm giảm gần bằng thời điểm đầu năm 2021, dưới 1%; lãi suất tái chiết khấu là 3%; lãi suất tái cấp vốn 4,5%.
Bên cạnh đó, các vướng mắc về pháp lý, thể chế cũng đang dần được tháo gỡ và thực thi. Quy hoạch các cấp đang hoàn thiện; đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh. 8 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công đã đạt hơn 352 nghìn tỷ đồng.
Theo TS. Cấn Văn Lực, nghĩa vụ tài chính trong tầm kiểm soát và tiếp cận vốn được duy trì. Và cuối cùng là cung - cầu giảm và giá tiến tới cân bằng hơn, phù hợp hơn.
“Tôi khẳng định đây không phải là giai đoạn khủng hoảng mà là giai đoạn thanh lọc”, TS. Cấn Văn Lực nói.
Nhiều chính sách chưa từng có hỗ trợ thị trường bất động sản
Theo TS. Cấn Văn Lực, chính sách tiền tệ đang chuyển từ “chặt chẽ, chắc chắn” sang “linh hoạt, nới lỏng”. NHNN cũng đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất đang giảm dần. Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được thực hiện như cơ cấu nợ, đảo nợ…
Đây là những chính sách chưa từng có đối với tài chính và thị trường bất động sản. Có thời điểm, chỉ trong vòng 1 tháng đã có 4 chính sách được thông qua như Nghị định 08, Nghị quyết 33, Nghị định 10 và Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội…
Và cũng chưa bao giờ chúng ta có cơ hội sửa đổi nhiều luật cùng một lúc như hiện nay với Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Đấu giá, Luật Đấu thầu.
Đặc biệt, theo TS. Cấn Văn Lực, chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tiếp tục giãn hoãn thuế, giảm phí. Ước tính, tổng tất cả các gói tài khóa có giá trị danh nghĩa khoảng 200 ngàn tỷ đồng, giá trị thực khoảng 70 - 80 ngàn tỷ đồng. Rõ ràng, đó là những chính sách hỗ trợ rất quyết liệt cho thị trường.
Về vốn cho thị trường bất động sản, dòng vốn vào bất động sản vẫn đang chảy đều. Tín dụng cho bất động sản vẫn tăng gần 5%, tương đương với mức tăng cho toàn hệ thống kinh tế, trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 18%; tín dụng nhà ở tăng thấp, thậm chí giảm, chứng tỏ nhu cầu thực giảm do thu nhập giảm, người dân thận trọng hơn. Nguồn vốn FDI đăng ký mới tính đến 20/9 vào ngành bất động sản đạt gần 2 tỷ USD, chiếm khoảng gần 10% tỷ trọng FDI.
Về trái phiếu, doanh nghiệp bất động sản bắt đầu phát hành trái phiếu trở lại. Giá trị phát hành ít giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, 8 tháng đầu năm nay toàn thị trường phát hành khoảng 132 ngàn tỷ đồng, mức giảm khoảng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức giảm toàn năm ngoái (47%).
Về cơ cấu phát hành, doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng 35%, tổ chức tín dụng chiếm 41%, cho thấy doanh nghiệp bất động sản đã và đang phát hành trở lại. Quan trọng hơn, hiện nay bất động sản đã phát hành khoảng 47 nghìn tỷ, gần bằng mức phát hành của cả năm ngoái, cho thấy thị trường đang dần phục hồi.
Sớm giải quyết vấn đề vốn, pháp lý
Năm 2023-2024, thị trường bất động sản đối mặt với những rủi ro thách thức chính như sức cầu yếu, giảm đà tăng trưởng, rủi ro về tài chính liên quan đến tỷ giá. Thị trường trái phiếu, bất động sản đang phục hồi nhưng cần thời gian và không thể phục hồi nhanh. Đặc biệt, niềm tin của nhà đầu tư hồi phục còn chậm mà đây là yếu tố quan trọng.
Về vấn đề thể chế, mặc dù tích cực triển khai nhưng quá trình cải cách thể chế vẫn còn chậm so với nhu cầu. Ngoài ra, tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm còn khá phổ biến.
“Tôi cho rằng cần quyết tâm xử lý trong thời gian tới”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản cũng như các thị trường khác cần được kiến tạo để phát triển nhưng vẫn cần kiểm soát rủi ro. Chúng ta cần phát triển hài hoà cân bằng hơn từ cung cầu, giá cả đến quy hoạch...
Các cơ quan chức năng cần chú trọng điều tiết cung cầu, giá cả thị trường bất động sản, cần sớm giải quyết dứt điểm những vụ việc vướng mắc, vi phạm pháp lý còn tồn đọng để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư; thực hiện tốt các cơ chế chính sách, nghị quyết đã ban hành trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, cần phân nhóm thị trường bất động sản để dễ dàng kiểm soát quản lý cung ứng, điều tiết đánh thuế phù hợp. Thị trường bất động sản có 4-5 phân khúc, từ đó phân nhỏ hơn để có hướng kiểm soát quản lý và đó cũng là nền tảng cho ngân hàng điều hành tín dụng phù hợp.