Thị trường cho đất nông nghiệp vẫn khó
Rào cản từ chính sách
Hiện Hà Nam là tỉnh đi đầu về tích tụ đất nông nghiệp, giao diện tích lớn cho DN để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, sản xuất hàng hoá với quy mô lớn.
Tuy nhiên, ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, quá trình tích tụ đang gặp nhiều khó khăn do diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ. Bình quân đất đai của tỉnh này chỉ có khoảng 500m2 trên một khẩu, đã qua 2 lần dồn điền đổi thửa để tập trung đất đai phục vụ cho cơ giới hoá, nhưng trung bình đến nay, mỗi hộ vẫn sở hữu 1,7 thửa “Để thu gom được 180ha đất giao cho một DN, chúng tôi phải thu gom của hơn 2.000 hộ dân”, ông Ngọc nêu dẫn chứng.
Cần khuyến khích DN đầu tư mạnh vào sản xuất nông nghiệp |
Cũng như vậy, đất đai manh mún là hạn chế căn bản khiến An Giang khó thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Phó Chánh văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, ông Võ Thành Minh chia sẻ, số liệu thống kê đất đai năm 2018, cho thấy tổng số có 318.128 hộ với diện tích 283.066 ha, trung bình 8000m2/hộ. Số hộ sử dụng đất quy mô dưới 3ha chiếm 95%; trên 3ha chiếm 5%, số hộ có từ 30ha trở lên chỉ chiếm 0,01%. Nếu so sánh với số liệu năm 2010 thì việc tích tụ đất đai có chiều hướng gia tăng. Số hộ có diện tích từ 3ha trở lên tăng từ 3,2% lên 5,0% năm 2017.
Như vậy, trong gần 10 năm, tỷ lệ tăng trong tích tụ đất đai cho thấy còn rất thấp, việc tích tụ có tác động bởi yếu tố sản xuất, yếu tố thị trường là chính. Ông Minh cho hay, nguyên nhân do chưa có các chính sách đặc thù tác động trực tiếp đến quá trình tích tụ đất đai. Luật Đất đai sửa hạn mức nhận chuyển nhượng lên 10 lần (30ha) nhưng thực tế mức tích tụ trên 30ha chiếm con số quá nhỏ.
Cũng theo ông Minh, tích tụ đất đai là quá trình chuyển dịch về quyền sử dụng đất, nó mang yếu tố thị trường rất lớn. Người nông dân và DN nông nghiệp đều phải tính toán lợi ích cho mình. Thực tiễn cho thấy ở cả 2 phía DN (hoặc hộ có nhu cầu đất lớn) và người nông dân đều có khó khăn.
Người nông dân có ít đất, sản xuất không hiệu quả nhưng không muốn chuyển nhượng hẳn quyền sử dụng do chưa ổn định trong chuyển đổi nghề. Đối với DN nông nghiệp, tạo quỹ đất cho cả dự án cần khoản tài chính không nhỏ; việc phải thương lượng với quá nhiều hộ để có đất đủ cho dự án là rất khó và sẽ mất nhiều thời gian.
Mặt khác, giá đất bồi thường hoặc nhận chuyển nhượng trên địa bàn tỉnh An Giang còn cao so với các tỉnh lân cận. Cơ chế chính sách hoạt động phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa đồng bộ, chưa đầy đủ và còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng nên khó vận dụng vào thực tế. Các quy định về thủ tục đầu tư còn tốn nhiều thời gian ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận đầu tư của DN.
Số liệu điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), đến nay, cả nước chỉ có hơn 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp, với diện tích nhỏ hơn 0,5 ha/mảnh. Trong khi đó, Thái Lan từ năm 2012 đã có 1,4 triệu mảnh ruộng có quy mô hơn 22 ha. Trung Quốc, tính đến năm 2013, đã có 8,82% diện tích có quy mô hơn 3 ha/mảnh và 0,1% diện tích có quy mô 30-70ha/mảnh.
Thúc đẩy thị trường đất nông nghiệp phát triển
Viện trưởng IPSARD, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nêu quan điểm, Việt Nam muốn gia tăng hiệu quả kinh tế, nhất thiết phải gia tăng đất đai, thông qua chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Muốn vậy, việc đầu tiên là xem xét lại thực trạng thị trường đất nông nghiệp, có đúng với con số thống kê chỉ 10% mua bán sổ đỏ, 5% cho thuê đất hay vẫn tồn tại một thực tế khác?
Cạnh đó, đất đai là khâu đầu tiên tạo đột phá phát triển nông nghiệp của Việt Nam nhất là khi chúng ta chuyển sang giai đoạn mới, đó là nền kinh tế nông nghiệp, sử dụng khoa học công nghệ, thu hút DN làm chuỗi. Để làm được điều này, ông Tuấn cho rằng, phải để thị trường đất đai hoạt động.
Hiện hình thành 2 hình thức thị trường đất nông nghiệp gồm: thị trường chuyển quyền sử dụng đất (nông dân với nông dân, nông dân và DN, chuyển quyền sử dụng đất bằng hình thức góp vốn) và thị trường cho thuê quyền sử dụng đất (nông dân và nông dân, DN thuê đất, nhà nước thuê đất của dân và cho DN thuê lại).
Chia sẻ về chuyện một DN đi thuê quyền sử dụng đất để trồng và xuất khẩu chè, bà Trần Thị Thanh Nhàn - chuyên gia Viện IPSARD cho hay: Đầu tiên DN làmđơn xin làm dự án trồng chè (2015) chuyển đến UBND tỉnh với thời gian hướng dẫn mất 3 tháng. Sau đó, DN tự thuê người kiểm kê rừng (150 cây thông), Sở NN&PTNT xác nhận kiểm kê rừng với chi phí 100 triệu đồng.
Ngoài ra, là các thủ tục khác như xin Giấy chứng nhận đầu tư, văn bản đền bù giải phóng mặt bằng. Thời gian thực hiện các thủ tục này mất 1 năm (bao gồm cả kiểm kê rừng). Đến khi phê duyệt dự án đầu tư thì tỉnh yêu cầu đổi mảnh đất khác trong khu đất dự án của tỉnh vì trong số 3,2 ha đất dự án thì, có 2,3 ha rừng nên cần xây dựng phương án bảo vệ rừng.
Khi làm xong thủ tục thì được thông báo đợt trước do DN xin trong kế hoạch sử dụng đất năm 2016, nhưng năm 2017 chưa có nên DN phải đăng ký lại và phải đăng ký bổ sung. Và đến nay (năm 2018), sau 3 năm DN đi thuê đất đi lại nhiều lần vẫn chưa được...
Trên thực tế, thị trường đất nông nghiệp tại Việt Nam đang hoạt động yếu ớt, vướng nhiều rào cản, thủ tục pháp luật phức tạp, thiếu các chính sách hỗ trợ.
Để phát triển thị trường đất nông nghiệp, ông Minh kiến nghị, xem xét sửa đổi một số luật liên quan hoặc giao cho địa phương chủ động về nguồn quỹ phát triển quỹ đất; Đồng thời, cần chính sách hỗ trợ chuyển dịch, liên kết tiêu thụ, hỗ trợ vốn từ ngân hàng; Các bộ, ngành trung ương sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Một thể chế về đất đai cho nông nghiệp phát triển là cần. Nhưng việc này cần bắt đầu từ “thay đổi quan điểm về quyền sử dụng đất”. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, xây dựng hành lang pháp lý về đất nông nghiệp cần dựa trên 3 quan điểm: Quyền sử dụng đất nông nghiệp như quyền tài sản; Phát huy vai trò nhà nước trong hỗ trợ, tạo động lực để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên mỗi đơn vị diện tích đất; Tăng hiệu quả sử dụng đất phải gắn với phát triển bền vững và ổn định kinh tế, chính trị, xã hội.