Thị trường chứng khoán sẽ tươi sáng hơn trước kỳ vọng nâng hạng?
Nhận định diễn biến nền kinh tế hai quý còn lại của năm 2024, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng, nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong 06 tháng cuối năm 2024 cũng như 2025, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khi nhìn vào chỉ số PMI tháng 6 là 54,7 điểm, là mức rất cao trong vòng nhiều tháng vừa qua với đơn hàng tăng mạnh.
Một điểm rất đặc biệt là nếu nhìn vào FDI giải ngân từ 2021 đến nay, trong vòng hơn 3 năm qua thì tổng FDI giải ngân đã chiếm tới khoảng 1/3 số FDI giải ngân trong vòng 30 năm trước đó. Những yếu tố quan trọng khác tạo lực cho tăng trưởng kinh tế ngành du lịch sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng; Chính phủ đã có điều chỉnh lương cơ bản cũng như lương hưu từ ngày 1/7 và cũng tiếp tục hỗ trợ chính sách thuế khi tiếp tục cắt giảm thuế VAT 2%... những điều này sẽ hỗ trợ cho tiêu dùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong cuộc họp gần đây cũng đã đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP 6,5% và 7%. Với mức tăng trưởng 6,5% thì với đà tăng của hai quý vừa qua chúng ta có thể đạt được, nhưng kịch bản tăng trưởng 7% thì quý III GDP cần tăng 7,4% và quý IV này cần tăng 7,6%.
Ông Kang Moon Kyung, Tổng Giám đốc, Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset (MAS) tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi. Trong đó, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đóng vai trò quan trọng cho sự phục hồi của nền kinh tế với điểm quan trọng nhất Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của FDI. Đáng chú ý, Việt Nam tiếp tục thực hiện cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, R&D, công nghệ cao. Khu vực FDI hiện đang là động lực chính thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Các nhà đầu tư kỳ vọng xuất khẩu sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới, nhờ vào việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đang tăng tốc kể từ tháng 5, tiếp đó là số liệu PMI sản xuất tăng mạnh trong tháng 6 lên mức 54,7 điểm. “Chúng tôi cũng chú ý rằng giải ngân đầu tư công trong trong nửa đầu năm chưa đạt đến 30% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao. Do đó, chúng tôi tin rằng Việt Nam đang có dư địa lớn để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5% từ việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công”, ông Kang Moon Kyung cho hay.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga cho rằng, về kinh tế vĩ mô, những áp lực về tỷ giá, lạm phát sẽ giảm trong 06 tháng cuối năm 2024. Bởi vì việc giảm lãi suất của Fed chỉ là vấn đề thời gian, Fed vẫn luôn thận trọng, nhưng thận trọng là vì không muốn tạo ra kỳ vọng cho nhà đầu tư. Còn thực tế việc giảm lãi suất đang đến rất gần, thì sẽ giảm áp lực lên tỷ giá cũng như lạm phát của Việt Nam. Dự báo, lạm phát sẽ chỉ ở mức khoảng 3,5% trong 06 tháng cuối năm và cho cả năm 2024.
Về thị trường chứng khoán, Bloomberg dự báo năm 2024, lợi nhuận các doanh nghiệp có thể tăng tới 36%. Với mức tăng trưởng như vậy, chỉ số giá trên lợi nhuận cuối năm 2024 có thể điều chỉnh xuống chỉ còn khoảng 11,6 lần và mức 11,6 lần là mức rất hấp dẫn cho thị trường. Một điểm nữa về ngành Ngân hàng - Ngành chiếm tỷ trọng rất lớn trong chỉ số VN-Index, dự báo trong thời gian tới khi nhu cầu tín dụng tăng lên và khi nền kinh tế hồi phục, khi thị trường bất động sản có những dấu hiệu hồi phục thì lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ được cải thiện, giá cổ phiếu khởi khắc… sẽ là động lực lớn cho thị trường.
“Nâng hạng thị trường là một mục tiêu của quốc gia, tôi nghĩ chắc chắn sẽ phải thực hiện được. Hiện, UBCKNN cùng với sự tư vấn của Ngân hàng Thế giới thì đã và đang rất nỗ lực để có thể thực hiện được điều này. Tuy vậy, khoảng tháng 9/2025 chúng ta sẽ được FTSE ra quyết định nâng hạng. Khi đó, chúng ta từ một "chợ nhỏ, chợ cóc" sẽ trở thành "chợ" của thành phố, sẽ có nhiều người muốn buôn bán kinh doanh hơn, chắc chắn sẽ thu hút được dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn. Song, khi đến giai đoạn sàng lọc và tìm kiếm các cơ hội đầu tư thì hiện tại đang không có quá nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi rất mong Chính phủ sẽ có những giải pháp để thúc đẩy những công ty có chất lượng lên sàn...”, bà Nga cho hay
Ông Kang Moon Kyung cho rằng Chính phủ Việt Nam đang quyết tâm giải quyết các điểm nghẽn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng, trước mắt sẽ là các tiêu chuẩn của FTSE. Trong trường hợp lạc quan nhất chúng ta vẫn có thể kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ bắt kịp tiến độ đối với kỳ đánh giá tiếp theo của FTSE vào tháng 9 sắp tới. Tuy nhiên, trong kịch bản mang tính khả thi hơn vẫn là kỳ vọng cho năm 2025.
Về triển vọng sau khi được nâng hạng thành công, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ phản ánh đầy đủ tiềm năng, với luồng tiền đầu tư đến từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo ước tính của ông Kang Moon Kyung, trong kịch bản cơ sở, tỷ trọng của thị trường Việt Nam trong rổ chỉ số FTSE mới nổi (thứ cấp) sẽ đạt khoảng 0,8% đến 1%; tương ứng dòng vốn vào ròng khoảng 0,4 đến 9,3 tỷ USD so với trước khi nâng hạng. Vì vậy, điểm mối chốt ở đây là phải tăng được số lượng những cổ phiếu chất lượng thoả mãn tiêu chí đưa vào rổ chỉ số sau khi nâng hạng.
“Chúng tôi đề xuất có thể chuyển các cổ phiếu vốn hoá lớn có yếu tố cơ bản tốt từ sàn UPCOM sang niêm yết ở HOSE. Thứ hai là đẩy nhanh quá trình IPO của các công ty tiềm năng (đặc biệt là các công ty nhà nước) cũng như thúc đẩy việc thoái vốn Nhà nước ở các công ty đang niêm yết. Các giải pháp này sẽ không chỉ giúp đa dạng hoá cấu trúc tổng thể của thị trường, mà còn giúp cải thiện yếu tố về quy mô và thanh khoản thị trường”, ông Kang Moon Kyung cho hay.