Thị trường chứng khoán Việt Nam: Đẩy nhanh tiến trình nâng hạng để thu hút vốn
Cơ hội để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng gì ở năm mới Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam ra sao? |
Theo đánh giá, khi được nâng hạng, TTCK Việt Nam sẽ thu hút một lượng vốn, thúc đẩy tăng trưởng quy mô và thanh khoản thị trường. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, chỉ riêng dòng vốn đầu tư gián tiếp (FPI), TTCK Việt Nam có thể thu hút khoảng 25 tỷ USD đến năm 2030.
Nhằm đáp ứng các tiêu chí của các tổ chức đánh giá xếp hạng thị trường hướng tới mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, UBCKNN đang triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, UBCKNN đang dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung 4 thông tư về giao dịch, về đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ, về hoạt động của công ty chứng khoán và về công bố thông tin nhằm sửa đổi 2 quy định về yêu cầu ký quỹ trước trước giao dịch và yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Đến nay, Bộ Tài chính đang trong quá trình hoàn thành dự thảo cuối cùng của thông tư. Dự kiến trong tháng 7 này, Bộ sẽ đăng tải toàn bộ nội dung của dự thảo này cùng các nội dung tiếp thu, giải trình lên trang web của Bộ Tài chính trước khi ban hành. Theo đánh giá của các chuyên gia trong và ngoài nước, các giải pháp, quy định mới trong dự thảo thông tư là phù hợp và có tính khả thi cao. UBCKNN kỳ vọng việc ban hành Thông tư sẽ tác động tích cực đến quá trình xét nâng hạng TTCK Việt Nam.
Khi được nâng hạng, TTCK Việt Nam sẽ thu hút một lượng vốn thúc đẩy tăng trưởng quy mô và thanh khoản thị trường |
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang tiếp tục làm việc với bộ ngành có liên quan như NHNN Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cùng phối hợp đưa ra các giải pháp đáp ứng các tiêu chí nâng hạng. Các bộ, ngành đang tích cực triển khai các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam, như việc sửa đổi quy định pháp lý liên quan đến thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo hướng giảm thiểu thủ tục và rút ngắn thời gian mở tài khoản, cập nhật và công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong câu chuyện nâng hạng thị trường, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Đức Hùng Linh lưu ý 2 vấn đề: Thứ nhất là hàng hóa. Năm 2017, chỉ có 3 cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI, lượng tiền thu hút được rất nhỏ. Thứ hai là nâng hạng rồi nhưng có thể sẽ rớt hạng, điển hình như Pakistan. “Chúng ta rất cố gắng để nâng hạng, nhưng quan trọng là đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường Việt Nam cần ổn định để duy trì được sau khi nâng hạng”, ông Linh lưu ý.
Cũng theo ông Linh, có những thị trường không thỏa mãn nhiều yếu tố, nhưng vẫn nâng hạng do sức ép của nhà đầu tư, như Trung Quốc, Ả rập Xê út… Quay lại thị trường Việt Nam, chúng ta cần xây dựng những yếu tố nền tảng tốt để nâng hạng và duy trì được sau nâng hạng. “Về sức hút của nhà đầu tư nước ngoài, nếu chúng ta có công ty tốt, hàng hóa tốt, nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cách để tăng tỷ lệ sở hữu. Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia đang nổi lên là thị trường hấp dẫn và Việt Nam cần xây dựng lợi thế thị trường mới có thể cạnh tranh, thu hút được vốn ngoại”.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng giá trị danh mục đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 45,64 tỷ USD, tương đương 19% quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu. Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán Việt Nam |
Phân tích bức tranh về 5 nhóm nhà đầu tư tổ chức trên TTCK Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty FiinGroup cho rằng, tiềm năng và dư địa để tăng sở hữu của nhà đầu tư tổ chức còn rất lớn trên cả kênh cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Chủ tịch FiinGroup khuyến nghị, bên cạnh mục tiêu nâng hạng TTCK lên mới nổi, Chính phủ cần xem xét đẩy mạnh mục tiêu nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Cùng với đó, cần chủ động thu hút các định chế quản lý tài sản quốc tế lớn mang tính chủ động (như JP Morgan, Morgan Stanley), cấp phép và có điều kiện hoạt động cho họ vào quản lý tài sản tại Việt Nam, làm cơ sở dẫn dắt các quỹ đầu tư thụ động khác phân bổ vào Việt Nam như một số nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia... đã làm
Với định chế đầu tư trong nước, theo ông Thuân, cần xem xét nới lỏng các quy định hạn chế đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp, nới lỏng hạn chế về việc công ty bảo hiểm trong việc đầu tư vào trái phiếu phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ. Cùng với đó, cần hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình quỹ hưu trí tự nguyện và quy định về phân bổ tài sản theo mức độ rủi ro và khuyến khích Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước đầu tư một tỷ lệ nhất định và phù hợp vào trái phiếu doanh nghiệp.