Thị trường chứng khoán Việt Nam: Kỳ vọng tăng khi "ngấm" các chính sách hỗ trợ tăng trưởng
Nhóm vận tải biển dậy sóng, VN-Index duy trì xu hướng tăng Điểm lại thông tin kinh tế ngày 27/6 |
Tại Mỹ, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã chính thức tạm dừng tăng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp, trong khi đó lạm phát cũng đang dần hạ nhiệt ở các quốc gia. Còn tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã đi trước giảm lãi suất điều hành với 4 lần hạ lãi suất liên tiếp giúp thanh khoản trên thị trường chứng khoán gia tăng mạnh mẽ trở lại.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục hạ lãi suất điều hành và trở thành ngân hàng đầu tiên trong số các ngân hàng trung ương vào thời điểm này có chính sách đi trước khá tốt. Các ngân hàng trung ương, đặc biệt là FED có dấu hiệu cho thấy họ sẽ sớm tạo đỉnh lãi suất. Hiện, chỉ số lạm phát ở Mỹ đã giảm rất tốt nhưng vẫn ở mức khoảng 4% so với năm 2022, nếu so với kỳ vọng vẫn còn khoảng cách 2%.
Vẫn còn kỳ vọng nhất định cho việc tăng điểm của thị trường |
Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, mức lạm phát mục tiêu trong năm 2023 khoảng 4,5%, và đến giữa năm lạm phát ở mức khoảng 3,5% cho thấy chúng ta đang kiểm soát tốt hơn so với một số quốc gia khác. Do vậy, diễn biến liên quan đến chính sách tiền tệ của nước ta có chuyển biến nhanh hơn quốc gia khác.
Về dư địa có thể giảm lãi suất, ông Long thấy rằng, trước khi có đợt tăng lãi suất do sức ép tăng lãi suất trên toàn cầu, chính sách lãi suất của Việt Nam với lãi suất điều hành khoảng 4%, hiện tại đang giảm về mức khoảng 4,5%. Như vậy, chúng ta vẫn còn dư địa cho những đợt giảm tiếp theo nhưng sẽ cần nhiều thời gian hơn để những người làm chính sách ước tính mức độ ảnh hưởng của các chính sách giảm lãi suất vào tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, để có sự điều tiết phù hợp cho những lần giảm lãi suất tiếp theo.
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Investment Bank cho biết, nếu so sánh với thị trường Mỹ, kinh tế Việt Nam lại hơi đặc biệt khi cuối tháng 10/2022, chúng ta phải đẩy việc tăng lãi suất để kiểm soát vấn đề về tỷ giá. Khi lãi suất tăng mạnh cộng với tình trạng thanh khoản bị hạn chế đã làm ảnh hưởng đến phần tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cộng với đó là những lùm xùm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã gây ra một hiệu ứng làm ảnh hưởng đến phần thu nhập của nhiều người dân và doanh nghiệp. GDP quý I chỉ tăng trưởng trên 3,3%, gần với mức thời covid. Điều này đã khiến cho cơ quan quản lý nhà nước phải đánh giá lại tình hình.
Nhìn sang bối cảnh xuất khẩu cũng như việc thu hút vốn FDI bị chậm lại, chúng ta đã phải tiến hành cắt giảm lãi suất điều hành sớm hơn các nước khác. Lạm phát của Việt Nam đã giảm nhanh hơn so với các nước và về mức dưới 3% trong tháng 5. Cộng với việc năm 2023 tỷ giá không còn áp lực và với các chính sách hỗ trợ kinh tế phục hồi trở lại, chúng ta đã cắt lãi suất điều hành bốn lần...
Ông Thành cho rằng, sẽ mất khoảng 3 - 4 tháng để có thể nhìn thấy tác động của việc cắt giảm lãi suất điều hành lan qua lãi suất cho vay. “Chúng tôi tính toán, để lãi suất cho vay trở lại mức bình thường và gọi là khỏe mạnh cho nền kinh tế, thì lãi suất cho vay phải giảm khoảng 1,5% so với mức hiện tại. Dựa trên phân tích như vậy, tôi cho rằng lãi suất điều hành của Việt Nam vẫn có thể giảm thêm ít nhất là 0,5% nữa, có thể là trong vòng ba tháng tới”, ông Thành nhận định.
Thực tế, cả thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam đã có những phiên phục hồi tích cực sau những diễn biến tốt hơn từ nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, đà phục hồi này sẽ tiếp diễn trong bao lâu.
Ông Trần Thăng Long cho biết, khi theo dõi những diễn biến của thị trường chứng khoán quốc tế, các quốc gia châu Âu mặc dù đã đi vào kì suy thoái, và thị trường chứng khoán của họ đã tăng trưởng trung bình khoảng 13%, đặc biệt là Đức tăng trưởng hơn 20%. Bên cạnh, thị trường chứng khoán Nhật Bản cũng đã tăng đến 27%, hay Hoa Kỳ tăng với mức trung bình khoảng 20%, trong đó riêng chỉ số Nasdaq tăng tới 30% đã xóa hết phần lớn mức giảm điểm của năm ngoái .
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã tăng trưởng khá tốt từ đầu năm đến nay, khoảng 10%, nhưng nếu so với các thị trường khác, chúng ta mới có sự tăng trưởng bình thường. Ông cho rằng, từ nay đến cuối năm, thậm chí là năm 2023 chúng ta vẫn còn kỳ vọng nhất định cho việc tăng điểm của thị trường khi các chính sách tiền tệ, tài khóa đều đang hỗ trợ cho tăng trưởng nhiều hơn. Thứ nữa, các nhà đầu tư cũng đã bắt đầu tự tin vào thị trường và tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới.
Ông Quản Trọng Thành thì cho biết, có hai yếu tố sẽ tác động trực tiếp đến xu hướng của thị trường. Đầu tiên là về lãi suất và thanh khoản, thứ hai là kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Đối với yếu tố lãi suất và thanh khoản, chúng ta đã thấy trạng thái chuyển đổi từ thắt chặt hồi cuối quý IV/2022, thậm chí đầu quý I/2023 sang trạng thái nới lỏng hơn, lãi suất giảm và thanh khoản bắt đầu quay trở lại, điều đó đã giúp cho thị trường phục hồi tốt trong giai đoạn vừa qua.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có mức sinh lời khoảng tầm 10-11%, tốt nhất trong khu vực ASEAN. Lãi suất giảm giúp thanh khoản duy trì ở mức 700 đến 800 triệu USD/ngày là hoàn toàn khả thi và có thể giúp thị trường tăng trưởng thêm một chặng khoảng 7%. Sau đó, thị trường sẽ chuyển sang tập trung vào câu chuyện đánh giá tốc độ phục hồi của kinh tế và doanh nghiệp...