Thị trường Hàn Quốc mở nhưng không dễ vào
Nông sản, thịt lợn có cơ hội nhập khẩu vào Hàn Quốc
Ông Lee Jong Beom, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Daewon Hàn Quốc cho biết hiện nay, hoạt động chăn nuôi, sản xuất thịt lợn tại Hàn Quốc đang giảm mạnh do liên quan tới một số vấn đề về môi trường và dịch bệnh như lở mồm long móng. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh và Hàn Quốc đang phải nhập khẩu thịt lợn từ 10 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Tây Ban Nha và một số quốc gia khác. Năm 2016, kim ngạch nhập khẩu thịt lợn của Hàn Quốc lên tới trên 5 tỷ USD.
Chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết để thâm nhập thị trường Hàn Quốc |
Theo các chuyên gia, do chính sách nhập khẩu lợn thời gian qua, hiện nay Việt Nam có các tổ hợp lai tạo ra lợn thương phẩm chất lượng thịt thơm ngon, đặc biệt thịt ba chỉ và chân giò phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của Hàn Quốc.
Chính vì nhu cầu này, những năm gần đây nhiều DN Hàn Quốc đã kết nối cùng các DN Việt Nam tìm kiếm các cơ hội nhập khẩu thịt lợn ba chỉ và chân giò lợn của Việt Nam. Ngay thời điểm tháng 5/2017, thông qua Công ty TNHH VIETGO Việt Nam đã có các đơn hàng từ các DN Hàn Quốc sẵn sàng nhập khẩu khoảng 6.000 tấn thịt ba chỉ và khoảng 3.000 tấn thịt chân giò trong năm đầu tiên.
Cũng vậy, đối với hàng hóa nông sản, Hàn Quốc hiện khá quan tâm tới trái cây Việt Nam. Hiện Việt Nam đã xuất khẩu được thanh long ruột trắng. Thanh long ruột đỏ của Việt Nam được đánh giá ngon hơn, song hiện vẫn chưa được xuất sang Hàn Quốc, nên cơ hội cho trái thanh long ruột đỏ rất lớn.
Trước đây, 100% chuối nhập khẩu vào Hàn Quốc có nguồn gốc từ Philippines, nhưng do phụ thuộc vào một thị trường nên giá cả tăng cao và các nhà nhập khẩu Hàn Quốc bắt đầu tìm kiếm những thị trường khác như Việt Nam.
Hiện đội thu mua của Lotte đã có những hợp đồng xuất khẩu chuối đầu tiên sang Hàn Quốc. Những loại hạt như đậu phộng, hạt điều cũng là món hàng được lựa chọn nhiều của người Hàn Quốc đối với nông sản Việt Nam. Thậm chí, trà trái nhàu đang được nhiều người Hàn Quốc quan tâm.
Ông Chu Thắng Trung, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc, cũng cho biết trong những năm qua, tại Hàn Quốc, các mặt hàng nông sản nhập khẩu (như rau, củ, quả…) đa phần nhập từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, Hàn Quốc bắt đầu có xu hướng tìm kiếm những nguồn cung cấp khác ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Năm 2016, hàng nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc được hơn 1,4 tỷ USD, chiếm 4% nhu cầu nhập khẩu của Hàn Quốc (mỗi năm, Hàn Quốc nhập khoảng 33 tỷ USD các sản phẩm nông, lâm, thủy sản).
Ông Trung cho rằng con số này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của các DN Việt Nam - vốn có thế mạnh về các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Còn rất nhiều cơ hội cho hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc nếu các DN tận dụng được những lợi thế từ VKFTA.
Muốn “qua khe hẹp” DN cần quan tâm chất lượng
Ông Lee Jong Beom nhấn mạnh, người Hàn Quốc rất chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như chất lượng thịt nhập khẩu đồng thời phải đảm bảo về vấn đề giá cả phải chăng. “Khi nhập khẩu tăng lên Daewon sẽ cung cấp dây chuyền sản xuất và tạo điều kiện cho các DN Việt Nam xuất thịt lợn sang thị trường Hàn Quốc”, ông Jong Beom hứa hẹn.
Thực chất, theo các chuyên gia, vấn đề kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm đang là rào cản lớn đối với ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung. Lãnh đạo Cục Thú y cho biết, theo đánh giá năng lực ngành thú y do Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) thực hiện, ngành thú y Việt Nam được đánh giá ở bậc 3/5.
Trong khi đó, Cơ quan thú y Hàn Quốc yêu cầu thịt lợn xuất khẩu vào Hàn Quốc phải có nguồn gốc từ quốc gia/vùng xuất khẩu không có bệnh lở mồm long móng (được OIE công nhận). Nhưng hiện nay, Việt Nam chưa được OIE công nhận sạch bệnh lở mồm long móng nên chưa đủ điều kiện để Hàn Quốc tiến hành đánh giá rủi ro nhập khẩu đối với thịt lợn. Chính vì vậy, hiện nay, các DN tập trung vào đàm phán xuất khẩu sản phẩm thịt lợn chế biến chín.
Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận mặc dù thị trường Hàn Quốc mở cửa và là thị trường tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng nhãn hiệu hàng hóa thuần Việt trên thị trường Hàn Quốc chưa nhiều. Hiện chỉ có sản phẩm cà phê Trung Nguyên G7 có mặt tại các hệ thống phân phối lớn tại Hàn Quốc; còn một số sản phẩm như: Phở Xưa và nay, tương ớt Trung Thành, nước mắm Nam Ngư… được bán ở những hệ thống phân phối không chính thức.
Phản hồi về việc hàng hóa Việt ít xuất hiện ở thị trường tiềm năng, các DN Việt cho rằng mặc dù hưởng ưu đãi thuế quan nhưng hàng nông sản Việt Nam luôn bị kiểm tra một cách nghiêm ngặt. Điều này khiến nông sản Việt được nhập khẩu vào Hàn Quốc với số lượng rất hạn chế, tập trung vào một vài loại như: thanh long, dừa, xoài, ổi, chuối, cà rốt, bông cải xanh, cải thảo… Đối với các loại rau quả chế biến, nhà máy cung cấp thì phải đạt được các tiêu chí theo giấy chứng nhận xuất khẩu do phía Hàn Quốc cấp.
Đánh giá của các nhà nhập khẩu Hàn Quốc, nông sản Việt Nam là chưa đảm bảo tính đồng nhất về kích thước, hương vị, màu sắc, kỹ thuật đóng gói bao bì kém, chưa chọn lọc kỹ sản phẩm. Hơn thế, hàng hóa nông sản của Việt Nam không đảm bảo chất lượng như cam kết khi hết vụ mùa… Và thực tế, một số DN vẫn còn khá mơ hồ về điều kiện xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Các chuyên gia cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu vào Hàn Quốc thì các DN phải nhanh chóng tiếp cận các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đổi mới công nghệ, tuân thủ đúng các quy trình chế biến, sản xuất để vượt qua các rào cản kỹ thuật của phía bạn, đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ C/O.
Ông Lê An Hải, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng, người Hàn Quốc có tâm lý hàng Hàn Quốc là số một và họ luôn tự hào về những sản phẩm do mình làm ra. Do vậy, để hàng nông sản Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Hàn Quốc, DN cần chú trọng và quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, thiết kế, bao bì, hợp tác và tham gia vào chuỗi giá trị của các nhà phân phối lớn đang chi phối thị trường Hàn Quốc.