Thị trường hàng hóa diễn biến giằng co, đối mặt với áp lực chốt lời
Thị trường hàng hóa diễn biến giằng co trong phiên giao dịch đầu tuần Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục hấp dẫn dòng tiền đầu tư |
Nhiều mặt hàng nhóm năng lượng và kim loại quay đầu suy yếu trong khi sắc xanh tiếp tục duy trì trên thị trường nguyên liệu công nghiệp và nông sản. Tuy nhiên, lực mua vẫn chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index đóng cửa tăng 0,14% lên mức 2.134 điểm.
Thị trường hàng hóa diễn biến giằng co, đối mặt với áp lực chốt lời |
Giá dầu suy yếu trước áp lực chốt lời
Đóng cửa ngày hôm qua, giá dầu quay đầu suy yếu trước áp lực chốt lời. Tuy nhiên, đà giảm trên thị trường thu hẹp sau quyết định hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và báo cáo tồn kho dầu thô của Mỹ được công công bố bởi Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Kết phiên giao dịch, giá dầu giảm nhẹ gần 0,4% xuống 70,9 USD/thùng, giá dầu Brent gần như giữ nguyên mức 73 USD/thùng.
Theo nguồn tin của Reuters, xuất khẩu dầu tại các cảng phía tây của Nga có thể sẽ tăng trong tháng 10. Theo ước tính, công suất lọc dầu khoảng gần 1 triệu thùng/ngày sẽ ngừng hoạt động trong tháng này. Nhu cầu dầu thô cho hoạt động lọc dầu thấp đồng nghĩa với việc nguồn cung xuất khẩu của Nga dồi dào hơn. Các thương nhân cho biết lượng xuất khẩu trong tháng 9 tại các cảng phía tây của nước này dự kiến sẽ tăng 4,5% so với tháng 8 lên mức 2,04 triệu thùng/ngày.
Ở một diễn biến khác, trong phiên họp chính sách diễn vừa mới kết thúc sáng nay, Fed đã quyết định hạ mức lãi suất mục tiêu xuống 4,75 - 5%, tương đương giảm 50 điểm cơ bản, phù hợp với dự báo của phần lớn thị trường. Như vậy, Fed đã chính thức xoay trục chính sách sang nới lỏng tiền tệ lần đầu tiên sau hơn 4 năm. Cùng với quyết định này, Fed cho biết có niềm tin lớn hơn vào lạm phát tiến tới mục tiêu 2%.
Bên cạnh đó, EIA cho biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần trước giảm 1,63 triệu thùng, trái ngược với mức tăng gần 2 triệu thùng được Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố trong phiên sáng. Bên cạnh đó, tồn kho xăng duy trì ổn định trong tuần trước, tồn kho nhiên liệu chưng cất tăng nhẹ 125.000 thùng, mức tăng nhẹ hơn nhiều so với công bố tăng 2,3 triệu thùng mỗi loại đến từ API.
Thêm vào đó, thông tin việc Bộ Năng lượng Mỹ liên tiếp đưa ra các đơn đặt hàng để bổ sung vào kho dự trữ chiến lược (SPR) cũng khiến sức ép trên thị trường giảm bớt. Mỹ sẽ tìm mua khoảng 6 triệu thùng dầu để bổ sung cho kho SPR, đây là lời đề nghị bổ sung lớn nhất từ trước đến nay đến từ chính quyền Tổng thống Biden trong việc bổ sung kho dự trữ sau một đợt bán lịch sử vào năm 2022.
Giá đậu tương tiếp đà tăng do lo ngại về tình hình mùa vụ tại Brazil
Với mức tăng gần 1% trong phiên giao dịch ngày 18/9, giá đậu tương hợp đồng tháng 11 được niêm yết ở mức 372,58 USD/tấn, ghi nhận phiên khởi sắc thứ hai liên tiếp. Trong bối cảnh những lo ngại về nguồn cung từ Brazil ngày càng gia tăng, giá mặt hàng này bật tăng ngay sau khi mở cửa. Tuy nhiên, đà tăng của giá phần nào bị thu hẹp do áp lực chốt lời của thị trường.
Tại Brazil, mưa đến muộn trong khi nắng nóng gay gắt kéo dài đã làm giảm đáng kể độ ẩm đất, đặc biệt là ở bang Mato Grosso - bang sản xuất đậu tương lớn nhất đất nước. Điều này khiến hoạt động gieo trồng đậu tương ở Brazil bị trì hoãn và gây ra nhiều lo ngại về triển vọng đậu tương vụ mới của nước này, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán trong vụ trước.
Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil (CONAB) đã phần nào xoa dịu sự lo ngại của thị trường và thu hẹp đà tăng của giá đậu tương trong phiên hôm qua. Cụ thể, CONAB dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2024-2025 của Brazil có thể đạt 166,28 triệu tấn, tăng 12,8% so với niên vụ trước.
Theo CONAB, sự tăng trưởng sản lượng đậu tương của Brazil dựa trên diện tích canh tác dự kiến tăng 3% so với vụ trước cùng năng suất cây trồng tốt hơn. Ngoài ra, một số nhà phân tích cho rằng tình trạng thiếu mưa ở Brazil sẽ không đáng báo động, trừ khi hạn hán kéo dài tới tận tháng 10 và làm chậm hơn nữa hoạt động gieo trồng.
Hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương diễn biến khá trái chiều trong phiên hôm qua. Giá khô đậu tương hợp đồng tháng 12 tiếp tục rung lắc mạnh trong vùng 319,5 - 327,5 USD/tấn và đóng cửa với mức giảm không đáng kể. Ngược lại, giá dầu đậu tương hợp đồng tháng 12 ghi nhận phiên khởi sắc thứ 3 liên tục với mức tăng hơn 1%.
Tại thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày hôm qua 18/9, giá chào bán mặt hàng khô đậu tương về cảng nước ta tăng nhẹ. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán khô đậu kỳ hạn giao quý IV dao động trong mức 11.300 - 11.350 đồng/kg. Trong khi đó, đối với kỳ hạn giao hàng quý I/2025, khô đậu tương Nam Mỹ được chào bán quanh mức giá 11.100 - 11.200 đồng/kg. Tại cảng Tại cảng Cái Lân, giá chào bán ghi nhận cao hơn 100 - 150 đồng so với cảng Vũng Tàu.