Thị trường hàng hóa: Giá dầu lao dốc, giá cà phê tiếp tục nóng
Thị trường hàng hóa: Sắc xanh tràn ngập bảng giá kim loại, thị trường nông sản rung lắc Thị trường hàng hóa: Giá cà phê phá vỡ kỷ lục mới, kim loại giảm do áp lực bán mạnh |
Đóng cửa, lực mua chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index tăng thêm 0,05% lên mức 2.203 điểm. Đáng chú ý, trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá mặt hàng cà phê Arabica đã phá thủng mốc kỷ lục 6.000 USD/tấn trong bối cảnh triển vọng nguồn cung tại Brazil và Việt Nam kém tích cực. Trong khi đó, toàn bộ 5 mặt hàng nhóm năng lượng tiếp tục chìm trong sắc đỏ.
Giá dầu lao dốc, giá cà phê tiếp tục nóng |
Giá dầu giảm sau thông tin OPEC+ gia tăng sản lượng
Thị trường năng lượng đỏ lửa trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Trong đó, giá dầu thế giới nối dài sang phiên thứ hai liên tiếp sau thông tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có thể dỡ bỏ chính sách cắt giảm sản lượng kể từ tháng 12. Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/9, giá dầu WTI giảm 2,9% về mức 67,67 USD/thùng trong khi dầu thô Brent giảm 2,53% xuống 71,6 USD/thùng.
Theo nguồn tin tờ Financial Times trích dẫn, Saudi Arabia đang chuẩn bị bỏ mục tiêu giá không chính thức trong việc nâng giá dầu thô lên mức 100 USD/thùng khi nước này sẵn sàng tăng sản lượng. Trong khi đó, theo nguồn tin của Reuters, nhóm sản xuất của OPEC+ sẽ tiếp tục tăng sản lượng dầu tháng 12 vì điều này sẽ tác động không lớn nếu một số thành viên cắt giảm lớn hơn để bù đắp cho sản lượng dư thừa được đưa ra vào tháng 9 và những tháng sau đó.
Trong khi đó, các phe phái của Libya đã ký một thỏa thuận về quy trình bổ nhiệm thống đốc ngân hàng trung ương mới, bước đầu tiên để giải quyết tranh chấp về quyền kiểm soát ngân hàng trung ương và doanh thu từ dầu mỏ đã làm giảm sản lượng và xuất khẩu dầu của Libya. Động thái này từ phía quốc gia thành viên OPEC+ có thể sẽ khôi phục xuất khẩu của nước này về lại con số khoảng 1 triệu thùng/ngày từ mức 400.000 thùng/ngày trung bình trong tháng 9.
Những thông tin nguồn cung được bổ sung kết hợp với những lo ngại tăng trưởng yếu kém trước đó từ Trung Quốc, thị trường nhập khẩu dầu thô số 1 thế giới, đã đè nặng lên tâm lý của thị trường và tạo áp lực rất lớn lên giá.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những gói kích thích kinh tế mạnh tay, tuy nhiên giới phân tích tin rằng chính sách tiền tệ là chưa đủ. Các quan chức chính phủ hàng đầu ở Trung Quốc cũng đã cam kết sẽ triển khai "chi tiêu tài khóa cần thiết" để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là khoảng 5%.
Về phía Nga, nước này cho biết có thể dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu nếu tình trạng thiếu hụt nhiên liệu trên thị trường nội địa được cải thiện. Trước đó, bất chấp các lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ của Nga vẫn tăng khoảng 10% trong nửa đầu tháng 9 so với tháng 8 khi các lô hàng dầu diesel và dầu nhiên liệu phục hồi từ mức thấp nhất trong nhiều tháng của tháng trước.
Giá cà phê tăng 4 phiên liên tiếp
Theo MXV, giá hai mặt hàng cà phê đã tăng phiên thứ 4 liên tiếp. Trong đó, giá cà phê Robusta tăng 1,5%, vượt 5.500 USD/tấn - mức kết phiên cao nhất trong một tuần trở lại đây; giá cà phê Arabica tăng gần 2% so với tham chiếu lên 6.038 USD/tấn, xác lập mức giá cao kỷ lục mới. Thời tiết cực đoan ảnh hưởng lên triển vọng nguồn cung kém tại các quốc gia sản xuất chính tiếp tục là nguyên nhân quan trọng hàng đầu hỗ trợ giá.
Hãng tư vấn Hedgepoint dự báo sản lượng cà phê toàn cầu sẽ thâm hụt năm thứ 4 liên tiếp do khô hạn khiến sản lượng tại hai quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới là Brazil và Việt Nam sụt giảm. Hedgepoint ước tính sản lượng cà phê vụ 2024-2025 của Brazil ở mức 63 triệu bao, giảm 3 triệu bao so với vụ trước; sản lượng cà phê của Việt Nam là 27 triệu bao, thấp hơn so với dự báo trước.
Cũng với nguyên nhân khô hạn kéo dài ảnh hưởng lên hoạt động sản xuất, Cơ quan Cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) cắt giảm dự báo hơn 4 triệu bao sản lượng cà phê thu hoạch trong năm 2024 của Brazil, về còn 54,79 triệu bao, thấp hơn 0,51% so với năm 2023 và gần 7% so với dự báo trước đó. Sản lượng cà phê Arabica giảm 2,52 triệu bao so với báo cáo trước và cà phê Robusta giảm hơn 1,5 triệu bao về 15,2 triệu bao, thấp hơn 6% so với năm trước.
Tại Brazil, mặc dù dự báo có mưa nhưng lượng mưa ít nên một số vùng vẫn còn trong tình trạng khô hạn cục bộ. Dự báo phải tới giữa tháng 10, lượng mưa mới có cải thiện rõ nét hơn. Trong khi đó, ảnh hưởng khô nóng đã phản ánh lên mùa vụ sắp thu hoạch tại Việt Nam nhưng lo ngại hơn nữa là mô hình thời tiết La Nina có thể gây mưa bão vào giai đoạn thu hoạch chính, gây gián đoạn thu hoạch và giảm sản lượng cà phê.