Thị trường hàng hóa: Giá dầu tiếp tục suy yếu, thị trường cà phê phục hồi
[Infographic] Bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2024 Thị trường hàng hóa: Năng lượng kéo chỉ số MXV-Index quay đầu suy yếu |
Trong khi toàn bộ các mặt hàng nhóm năng lượng đóng cửa trong sắc đỏ thì thị trường nguyên liệu công nghiệp, nhất là cà phê diễn biến tích cực, giá phục hồi. Đóng cửa, lực bán tiếp tục chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV – Index đánh mất 0,42% về mức 2.199 điểm.
Giá dầu tiếp tục suy yếu, thị trường cà phê phục hồi |
Giá dầu thế giới tiếp đà giảm do tồn kho tại Mỹ tăng vọt
Đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua, thị trường năng lượng tiếp tục chìm sâu trong sắc đỏ. Trong đó, giá dầu WTI giảm 0,45% về mức 73,24 USD/thùng, giá dầu Brent đánh mất gần 0,78% về mức 76,58 USD/thùng. Thị trường dầu mỏ quốc tế đang chứng kiến xu hướng giảm giá kéo dài do nguồn cung gia tăng mạnh mẽ và tồn kho tại Mỹ tăng cao bất ngờ.
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô thương mại của nước này đã tăng đáng kể 5,8 triệu thùng trong tuần qua. Con số này vượt xa dự đoán của các chuyên gia và phản ánh tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường. Đáng chú ý, trước đó trong cùng ngày, Viện Dầu khí Mỹ (API) còn công bố số liệu cho thấy mức tăng tồn kho còn cao hơn, lên tới gần 11 triệu thùng.
Không chỉ tồn kho tăng, sản lượng dầu của Mỹ cũng ghi nhận mức tăng đáng kể. EIA cho biết sản lượng dầu của nước này đã tăng 100.000 thùng/ngày trong tuần trước, đạt mức 13,4 triệu thùng/ngày - con số đáng chú ý trong bối cảnh hiện tại.
Tình trạng dư thừa nguồn cung không chỉ giới hạn ở Mỹ. Trên phạm vi toàn cầu, nhiều quốc gia sản xuất dầu cũng đang ghi nhận sự gia tăng sản lượng. Đáng chú ý nhất là Kazakhstan, nơi mỏ dầu Tengiz - mỏ dầu lớn nhất nước này đã nâng sản lượng lên mức kỷ lục gần 700.000 thùng/ngày trong tháng 10.
Động thái tăng sản lượng của Kazakhstan diễn ra bất chấp những nỗ lực của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) trong việc hạn chế nguồn cung trong tháng 10 và tháng 11. Điều này cho thấy sự phức tạp trong việc kiểm soát nguồn cung dầu mỏ toàn cầu, khi các quốc gia ngoài OPEC+ vẫn tiếp tục tăng sản lượng.
Thị trường cà phê biến động nhẹ
Phiên giao dịch ngày hôm qua chứng kiến biến động nhẹ của thị trường cà phê. Mặt hàng cà phê Arabica ghi nhận mức tăng 0,7% lên 5.512 USD/tấn, giá cà phê Robusta cũng nhích nhẹ 0,2% lên mức 4.865 USD/tấn. Thị trường tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đến điều kiện thời tiết tại Brazil - quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới.
Theo dự báo, mưa đang lan rộng từ Nam đến Đông Nam Brazil, vùng trọng điểm sản xuất cà phê, tuy nhiên, lượng mưa hiện vẫn còn thấp. Dự báo trong 10 ngày tới, lượng mưa sẽ tăng dần và bao phủ hầu hết các khu vực sản xuất chính, với khu vực Đông Nam ghi nhận lượng mưa từ 25-75 mm cao hơn bình thường, cao hơn mức bình thường, một số nơi ở phía Nam thậm chí có thể ghi nhận lượng mưa lên tới 120 mm. Điều này làm dấy lên hy vọng về triển vọng nguồn cung vụ 2025-2026 tại Brazil.
Hoạt động xuất khẩu cà phê toàn cầu cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Colombia cho biết xuất khẩu 987.000 bao cà phê Arabica chế biến ướt trong tháng 9, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu tháng 8 đạt 9,91 triệu bao, tăng 8,8% so với cùng kỳ 2023. Lũy kế từ đầu niên vụ 2023-2024 đến hết tháng 8/2024, con số này đạt 113,8 triệu bao, tăng 10,5% so với cùng kỳ vụ trước.
Tại thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (10/10), giá cà phê tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục tăng nhẹ so với cùng thời điểm hôm qua, dao động trong khoảng 112.800 - 113.500 đồng/kg.