Thị trường hàng hóa: Lực mua mạnh quay lại kéo chỉ số MXV-Index phục hồi
Dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ ‘hâm nóng’ thị trường hàng hóa Nông sản đỏ lửa dẫn dắt xu hướng thị trường hàng hóa tuần qua |
Lực mua áp đảo đã kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,62% lên 2.119 điểm. Đáng chú ý, toàn bộ 10 mặt hàng kim loại đều đồng loạt tăng giá trong bối cảnh lo ngại rủi ro suy thoái được xoa dịu, đồng USD yếu đi và kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ thép tại Trung Quốc cải thiện. Bên cạnh đó, thị trường nông sản cũng có phiên khởi động tuần mới khởi sắc. Lực mua bắt đáy của thị trường và kết quả xuất khẩu tích cực của Mỹ đã giúp mặt hàng ngô thoát khỏi đà lao dốc.
Lực mua mạnh quay lại kéo chỉ số MXV-Index phục hồi |
Sắc xanh phủ kín bảng giá kim loại
Khép lại phiên giao dịch đầu tuần, thị trường kim loại khởi động tuần mới với sắc xanh phủ kín trên bảng giá. Đối với kim loại quý, nhờ lo ngại rủi ro suy thoái tiếp tục được xoa dịu cùng sự suy yếu của đồng USD, giá bạc và giá bạch kim giữ vững sắc xanh và duy trì đà tăng từ các phiên cuối tuần trước. Chốt ngày, giá bạc tăng 1,58% lên 29,3 USD/oz, giá bạch kim nhích lên 962,9 USD/oz.
Sau các dữ liệu tích cực được Mỹ công bố tuần trước, ngân hàng Goldman Sachs mới đây đã hạ thấp khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới xuống còn 20% từ 25% trong dự báo trước, giúp lo ngại suy thoái tại nền kinh tế lớn nhất thế giới càng được xoa dịu. Tâm lý thị trường tiếp tục cải thiện đã hỗ trợ cho giá bạc, bạch kim duy trì đà tăng trong phiên hôm qua.
Ngoài ra, đồng USD vẫn đang trên đà suy yếu trước kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm hạ lãi suất vào cuộc họp tháng tới. Các nhà hoạch định chính sách của Fed là Mary Daly và Austan Goolsbee vào cuối tuần đã nhấn mạnh khả năng xoay trục chính sách vào cuộc họp tháng 9, trong khi biên bản cuộc họp tháng 7 công bố vào rạng sáng ngày 22/8 dự kiến sẽ nhấn mạnh quan điểm ôn hòa của giới chức Fed.
Theo đó, chỉ số Dollar Index đã giảm 0,56% xuống 101,89 điểm, mức thấp nhất 9 tháng gần đây. Chi phí đầu tư rẻ hơn đã tạo cơ hội tăng giá tốt cho nhóm kim loại quý trong phiên hôm qua.
Đối với kim loại cơ bản, đồng USD suy yếu cũng là động lực chính hỗ trợ cho giá các mặt hàng trong nhóm đồng loạt tăng giá. Trong đó, diễn biến đáng chú ý nhất là sự bứt phá hơn 3% của giá nhôm LME, chủ yếu được hỗ trợ nhờ triển vọng tiêu thụ lạc quan hơn tại Trung Quốc.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan nước này cho thấy, Trung Quốc đã nhập khẩu 260.000 tấn nhôm chưa gia công và nhôm sơ cấp trong tháng 7, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 7 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu tổng cộng 2,3 triệu tấn, tăng 60,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong diễn biến khác, giá quặng sắt cũng trải qua phiên giao dịch khởi sắc khi phục hồi từ mức đáy một năm nhờ tăng 2,85% lên 94,63 USD/tấn, đồng thời chấm dứt chuỗi giảm ba phiên liên tiếp. Kỳ vọng nhu cầu thép và giá thép tại Trung Quốc sẽ cải thiện trong tuần này là nguyên nhân chính hỗ trợ cho giá quặng sắt trong phiên hôm qua.
Giá ngô chấm dứt chuỗi hai phiên lao dốc liên tiếp
Đóng cửa ngày hôm qua, ngoại trừ lúa mì CBOT giảm nhẹ, các mặt hàng còn lại trong nhóm nông sản đều đồng loạt tăng giá. Trong đó, giá ngô hợp đồng tháng 12 đã cắt đứt chuỗi hai phiên lao dốc liên tiếp trước khi tăng 1,97%. Lực mua bắt đáy của thị trường cùng kết quả xuất khẩu tích cực của Mỹ trong tuần là yếu tố chính đẩy giá mặt hàng này trong phiên hôm qua.
Trong báo cáo Giao hàng Xuất khẩu (Export Inspections) mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết khối lượng giao hàng ngô của Mỹ trong tuần 9 - 15/8 đạt 1,17 triệu tấn, tăng so với tuần trước đó. Lũy kế giao hàng ngô của Mỹ từ đầu niên vụ 2023-2024 tới 15/8 đạt 50,1 triệu tấn, cao hơn đáng kể so với mức 36,18 triệu tấn cùng kỳ niên vụ trước. Điều này cho thấy nhu cầu thế giới với ngô Mỹ trong niên vụ hiện tại đang rất cao, qua đó đã tác động “bullish” mạnh lên giá.
Bên cạnh đó, một đợt khô nóng mới đang ảnh hưởng tới vụ ngô đang trong giai đoạn phát triển cuối cùng của Mỹ. Lo ngại về tác động của thời tiết tới năng suất tiềm năng của cây trồng cũng góp phần hỗ trợ giá ngô.
Trong khi đó, giá lúa mì hợp đồng tháng 12 diễn biến giằng co trong phiên hôm qua và đóng cửa với mức giảm nhẹ. Kết quả xuất khẩu tiêu cực của Mỹ cùng sự cạnh tranh gay gắt về giá của lúa mì Nga trên thị trường xuất khẩu toàn cầu đã gây áp lực lớn lên giá. Đà giảm của giá lúa mì trong hôm qua phần nào được thu hẹp bởi lực mua kỹ thuật của thị trường.
USDA báo cáo, khối lượng giao hàng lúa mì niên vụ 2024-2025 của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 15/8 đạt trên 347.500 tấn, giảm gần một nửa so với tuần trước đó. Con số này phản ánh nhu cầu quốc tế đối với lúa mì Mỹ có sự sụt giảm mạnh trong tuần đánh giá.
Trong khi đó, công ty tư vấn IKAR cho biết giá FOB đối với lúa mì chứa 12,5% protein của Nga đạt 218 USD/tấn, giảm 3 USD/tấn so với một tuần trước đó do nhu cầu yếu cùng triển vọng nguồn cung dồi dào hơn nhờ vụ mùa mới thu hoạch. Giá xuất khẩu giảm sẽ khiến lúa mì Nga hấp dẫn hơn nguồn cung từ Mỹ trên thị trường quốc tế và gây sức ép lên giá lúa mì CBOT trong ngắn hạn.