Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trầm lắng trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn
Giá năng lượng và kim loại đồng loạt đi xuống kéo chỉ số MXV-Index giảm Nhà đầu tư thận trọng đóng vị thế trong ngày nghỉ lễ Tạ ơn |
Chỉ số MXV-Index chốt tuần tăng không đáng kể 0,05%, đạt 2.187 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đạt trung bình trên 3.000 tỷ đồng mỗi ngày.
Trong đó, sắc xanh phủ kín bảng giá kim loại và dòng tiền liên tục chảy vào thị trường kim loại quý nhờ đồng USD giảm giá. Giá cà phê Arabica tiếp tục đi lên do giới đầu cơ tăng mua.
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trầm lắng trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn |
Giá Arabica tiếp tục tăng vì giới đầu cơ tăng mua
Theo Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 20-26/11, bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp diễn biến phân hóa giữa sắc xanh và đỏ. Trong đó, giá cà phê tăng lần lượt 0,9% với Arabica và 0,95% với Robusta. Nguồn cung dần có những tín hiệu tích cực nhưng chưa đủ lấn át lực mua từ giới đầu cơ.
Sau hai tháng giảm liên tiếp, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US trong tuần qua đã cải thiện khi tăng từ 289.699 bao loại 60kg, mức thấp nhất trong hơn 24 năm lên 290.734 bao. Đồng thời, các kho lưu trữ hiện tại của Sở này cũng vẫn còn 22.014 bao Arabica đang chờ chứng nhận để bổ sung vào lượng tồn kho đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, mưa làm nhiệt độ dịu lại tại vùng trồng cà phê chính của Brazil, khiến thị trường kỳ vọng nguồn cung vụ mới sẽ tích cực hơn. Tuy vậy, giới đầu cơ vẫn đặt cược vào giá cà phê còn dư địa tăng, từ đó thúc đẩy các vị thế mua ròng. Điều này khiến nguồn cung Arabica có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đủ làm đảo chiều giá.
Tuần trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng công bố một loạt báo cáo giữa niên vụ cho các quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu. Cơ quan này đã hạ dự báo nguồn cung cà phê của hầu hết các quốc gia cung ứng cà phê hàng đầu như Brazil, Việt Nam và Indonesia với nguyên nhân thời tiết không thuận lợi cho cà phê phát triển tốt.
Dòng tiền chảy liên tục vào thị trường kim loại quý
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, sắc xanh áp đảo trên bảng giá nhóm kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạch kim dẫn dắt đà tăng của nhóm khi bật tăng 3,9% lên 936,9 USD/oz. Giá bạc cũng tăng 2,05%, dừng chân tại mức 24,34 USD/oz, mức cao nhất kể từ đầu tháng 9/2023. Cả giá bạc và giá bạch kim đều ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp.
Tuần trước, dòng tiền liên tục chảy vào thị trường kim loại quý nhờ đồng USD giảm giá. Chỉ số đô la Mỹ giảm 0,49% về 103,4 điểm, đánh dấu tuần giảm thứ hai liên tiếp. Động lực tăng của đồng USD không còn nhiều khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày càng có ít không gian để tăng lãi suất. Phần lớn nhà đầu tư đều cho rằng Fed đã hoàn thành việc tăng lãi suất và đợt cắt giảm lãi suất sớm nhất dự kiến diễn ra vào tháng 5/2024, theo CME FedWatch.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại cũng khiến đồng USD giảm giá. Theo S&P Global, hoạt đông sản xuất của Mỹ đã bị thu hẹp với chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất đạt 49,4 điểm trong tháng 11, thấp nhất trong vòng ba tháng trở lại đây.
Ngoài ra, riêng với bạch kim, lo ngại nguồn cung bị thu hẹp tại Nam Phi, quốc gia khai thác bạch kim lớn nhất thế giới, đã thúc đẩy lực mua bạch kim tăng. Công ty điện nhà nước Nam Phi Eskom cho biết dự kiến bỏ 6.000 megawatt ra khỏi hệ thống điện quốc gia. Điều này có thể khiến khai thác bạch kim bị gián đoạn.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tăng tuần thứ hai liên tiếp, đóng cửa tuần tại mức 3,78 USD/pound nhờ tăng 1,35%. Giá quặng sắt cũng tăng 4,16% lên 133,86 USD/tấn, đánh dấu tuần tăng giá thứ năm liên tiếp.
Riêng với đồng, lo ngại nguồn cung bị thu hẹp cũng hỗ trợ giá. Hoạt động khai thác đồng tại mỏ Panama của công ty First Quantum và mỏ Las Bambas, một trong những mỏ đồng lớn nhất ở Peru, đã gặp gián đoạn trong tuần trước do tình trạng biểu tình và bảo trì mỏ.