Thị trường hàng Tết: Ổn định nguồn cung, không lo tăng giá
Nguồn cung đáp ứng nhu cầu mua sắm đồ Tết của người tiêu dùng dồi dào |
Đẩy mạnh kích cầu mua sắm
Là trung tâm bán buôn cho các cửa hàng, siêu thị và đưa đi các tỉnh thành - La Phù, Hoài Đức (Hà Nội), gia đình nào cũng tận dụng mặt tiền để làm cửa hàng, kho chứa sản phẩm. Chị Thu Nga, chủ một cửa hàng bán buôn tại La Phù cho biết, gia đình chị kinh doanh bánh kẹo lâu năm nhưng chưa năm nào đơn hàng giảm 1/2 như năm nay, khách ở xa đã dừng đơn hàng, khách ở gần thì không bán được nhiều. Tết năm nay, mặt hàng khách lựa chọn nhiều là sản phẩm có giá ở mức trung bình. Hàng hóa giờ sẵn nên chị bán tới đâu đi lấy tới đó, vừa bán vừa nghe ngóng xu hướng tiêu dùng của thị trường.
Trước không khí mua sắm cầm chừng của người dân, để thu hút khách hàng, tại các hệ thống siêu thị đã tập trung đẩy mạnh các gian hàng Tết bằng các chương trình giảm giá sâu lên đến 50% để kích cầu tiêu dùng. Theo khảo sát của phóng viên, tại các siêu thị đều bố trí khu vực trưng bày giỏ quà Tết bắt mắt với nhiều mức giá khác nhau.
Hiện các siêu thị thuộc Saigon Co.op đang áp dụng khuyến mãi cho 2.000 mặt hàng; triển khai chương trình “Tươi ngon chất lượng cho món Tết Việt”; giảm mạnh từ 25-50% cho các sản phẩm bài trí Tết trong chương trình “Ngát hương xuân - Bếp sáng nhà xinh”; các điểm bán thuộc Saigon Co.op luân phiên giảm giá từ 10 - 20% cho các sản phẩm thực phẩm tươi sống gồm thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây...
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc chuỗi WinMart cho biết, để chuẩn bị cho mùa mua sắm cao điểm trong năm, WinCommerce đã chủ động các phương án dự trữ hàng hóa, tăng cường chương trình khuyến mại và các ưu đãi độc quyền để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân. Hiện hơn 3.600 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+/WIN trên toàn quốc đang liên tục triển khai các chương trình “giá tốt” như giảm giá lên đến 50% cho hơn 600 sản phẩm, ngành hàng; áp dụng mua 2 tặng 1...
Cuối năm âm lịch, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán cũng là thời điểm nhiều gia đình có nhu cầu nâng cấp, thay thế thiết bị điện, điện tử nên hệ thống siêu thị điện máy Media Mart cũng tổ chức khuyến mại “Đón Tết rộn ràng sale Tết, giảm hết -70%”. Theo đó, từ nay đến hết ngày 30/1/2024, siêu thị MediaMart giảm đến 70% các mặt hàng tivi, gia dụng, điện lạnh… chính hãng. Các thương hiệu Sony, LG, Samsung được giảm giá từ 45-53%, các loại máy giặt, tủ lạnh giảm giá từ 29-40%, với mặt hàng đồ gia dụng như nồi cơm điện, lò vi sóng, đèn sưởi, bình nóng lạnh…được giảm giá từ 20-48%.
Cùng với chương trình giảm giá, theo các chuyên gia, thuế giá trị gia tăng được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cũng đang tại điều kiện kích cầu tiêu dùng trong dịp Tết này. Theo quy định, từ 1/1, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sẽ tiếp tục được giảm thuế giá trị gia tăng 2% nửa đầu năm 2024, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, chính sách này vừa góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo thêm việc làm cho người lao động, vừa góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Hàng Tết không lo thiếu
Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, một số địa phương đã xây dựng kế hoạch và đưa ra nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân. Đơn cử, tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện Tết năm 2023.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố; các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng đảm bảo đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ người dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Tương tự, tại một số địa phương khác cũng giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân; tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay người dân với giá cả ổn định.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đã phối hợp với các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và những địa phương khác để có được nguồn cung hàng hóa rẻ hơn so với thị trường 5-10%.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị nguồn cung những mặt hàng thiết yếu từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng 10-20% so với cùng kỳ năm ngoái, tùy mặt hàng. Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết. Sự chuẩn bị đồng bộ của các đơn vị nhằm bảo đảm giá cả hợp lý, không có những biến động lớn.