Thị trường M&A chờ đón nhiều cơ hội mới
Manh nha những thương vụ nghìn tỷ
Phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 diễn ra cuối tháng 11/2022, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho biết, đến giữa quý IV/2022, thị trường giao dịch M&A tại Việt Nam có dấu hiệu chững lại khi chỉ đạt mức 5,7 tỷ USD (tính đến hết tháng 10), giảm khoảng 50% so với năm 2021. Tuy nhiên, đi cụ thể vào từng lĩnh vực, ngành hàng thì các thương vụ M&A đang có sự dịch chuyển đáng kể cả về xu hướng dòng vốn, chất lượng và giá trị giao dịch của từng thương vụ.
Cụ thể, trong năm 2022 vừa qua, các lĩnh vực bất động sản, năng lượng tái tạo và hàng tiêu dùng là những lĩnh vực hấp dẫn nhất đối với các giao dịch M&A. Theo đó, có thể kể đến các thương vụ đình đám của Viva Land mua lại cao ốc Capital Place của CapitaLand (523,4 triệu USD), Novaland nhận đầu tư 250 triệu USD từ Warburg Pincus. Hay như Tập đoàn Xuân Thiện nhận vốn 284 triệu USD từ EDP Renovaveis, S.A; Golden Gate bán 30% vốn (trị giá 234 triệu USD) cho Periwinkle của Singapore; Masan mua lại 65% vốn của CTCP Phúc Long Heritage với giá 260,6 triệu USD…
Ông Nguyễn Công Ái nhận định, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 được thúc đẩy bởi ba xu hướng lớn là sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu; sự dịch chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo; sự phát triển rộng rãi của quá trình số hóa tác động tích cực đến các lĩnh vực của nền kinh tế. Chính vì vậy, xu hướng M&A trong năm 2023 sẽ tiếp tục bám vào ba xu hướng này để phát triển các thương vụ mới khi các tập đoàn lớn quay lại mở rộng thị phần sau đại dịch Covid-19.
Cũng cho rằng, hoạt động M&A sẽ sôi động trở lại trong năm 2023, TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư CTCP Chứng khoán VPS cho biết, kết thúc năm 2022, nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam gặp khó khăn, nhiều tài sản có giá trị được rao bán, đồng thời hàng loạt doanh nghiệp trong các khối ngành tài chính, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản đẩy mạnh tái cấu trúc, mở rộng room cho cổ đông ngoại. Vì vậy, trong năm 2023 rất có thể sẽ là năm xuất hiện nhiều thương vụ M&A liên quan tới lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, công nghệ, khoa học, hàng tiêu dùng và bán lẻ. Một số thương vụ M&A có thể sớm diễn ra trong các quý đầu năm là Cholimex, Eximbank, KIDO… Trong khi đó, ở phía nhà đầu tư cũng sẽ xuất hiện thêm những nhà đầu tư mới đến từ các quốc gia khu vực Trung Đông, bởi nhiều khả năng danh mục đầu tư vào lĩnh vực phụ thuộc dầu mỏ sẽ hạn chế dần, các tập đoàn lớn, các quỹ đầu tư tại Trung Đông có thể hướng đến các lĩnh vực năng lượng tái tạo và startup công nghệ ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Động lực tăng trưởng khá mạnh
Theo ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ M&A xuyên quốc gia của Tập đoàn Recof, hiện nay Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy hoạt động M&A so với nhiều quốc gia trong khu vực. Trong đó, các doanh nghiệp Nhật Bản với quy mô vốn 2-3 tỷ USD cũng đang “ngắm nghía” thị trường Việt Nam do tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam hiện cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Hơn thế, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi về thuế và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp FDI khi đã là thành viên của 15 FTA. Điều này hỗ trợ rất tốt cho nhà đầu tư nước ngoài khi xuất khẩu sản phẩm “made in Việt Nam” sang các thị trường lớn.
Phân tích ở góc vĩ mô, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu những nội dung trong Nghị quyết 31/2021/QH15 của Quốc hội (về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025) được thực thi đúng, tốt và đầy đủ, thì thị trường M&A của Việt Nam các năm 2023-2024 sẽ phát triển mạnh. Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng, soạn thảo, hoàn thiện dự thảo các luật: Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi)… tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, minh bạch cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có hoạt động M&A.
Năm 2023 lĩnh vực bất động sản dự báo sẽ là lĩnh vực thu hút nhiều thương vụ M&A lớn |
Ở góc độ đầu tư, TS. Nguyễn Công Ái cho rằng, khi lãi suất và lạm phát được điều chỉnh hợp lý thì từ nửa cuối năm 2023, M&A sẽ bắt đầu hồi phục. Trong đó, chuyển đổi số, năng lượng sạch, thị trường tiêu dùng và nhận thức về ESG (môi trường - xã hội - quản trị) sẽ là những chủ đề chính cho hoạt động M&A trong tương lai tại Việt Nam.
Riêng ở khía cạnh luồng vốn đầu tư, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, bên cạnh các nhà đầu tư truyền thống đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore... nhiều khả năng trong các năm tới thị trường M&A tại Việt Nam sẽ thu hút thêm các dòng vốn từ các quốc gia vùng vịnh như: UAE, Oman, Kuwait, Qatar, Bahrain và một số quốc gia khác như: Tây Ban Nha, Hoa Kỳ. Đáng chú ý, dòng vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân, như PE Fund, Venture Capital sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Các nhà đầu tư trong nước vẫn sẽ tham gia tích cực vào thị trường M&A, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ và bất động sản.
Ở góc độ thị trường và diễn biến của từng khối ngành kinh tế, nhiều công ty chứng khoán dự báo các thương vụ M&A từ năm 2023 trở đi sẽ có xu hướng tăng về “chất” hơn là về “lượng” do các nhà đầu tư có sự xoay chuyển từ “cơ hội” sang “chiến lược”; đồng thời thị trường bán ra đang sôi động và đa dạng nên bên mua sẽ có ưu thế trong lựa chọn và đàm phán các hợp đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong các tháng đầu năm 2023, nhóm các khối ngành tài chính ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản sẽ mở màn cho làn sóng M&A nghìn tỷ tại Việt Nam.
Dự báo trong 2023 có thể thị trường sẽ được chứng kiến những thương vụ “khủng” đến từ lĩnh vực hàng tiêu dùng, như ThaiBev (Thái Lan) muốn mua lại 36% cổ phần của Sabeco sau khi chi 4,8 tỷ USD để mua lại 54% cổ phần vào năm 2017. Ngoài ra, danh sách các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn nhà nước với giá trị gần 250.000 tỷ đồng và hàng loạt startup kỳ lân mới nổi được định giá hàng tỷ USD sẽ “đích ngắm” ưu tiên rót vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.