Thị trường mới nổi: Tốt vay, dày nợ
Tổng số nợ của Trung Quốc đã vượt 250% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và tiếp tục tăng với nhịp độ đáng ngại. Theo đánh giá chung, kế hoạch phục hồi kinh tế được Bắc Kinh bắt đầu vào năm 2009 là nguyên nhân chính dẫn đến khoản nợ này. Chính quyền Trung Quốc bơm hơn 4.000 tỷ CNY (khoảng 536 tỷ euro, chiếm 13% GDP) để đối phó với đà tăng trưởng chậm lại của thế giới.
Tình hình trên khiến nhiều chuyên gia e ngại rằng Trung Quốc sắp trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, tương đương với cuộc khủng hoảng tại Hoa Kỳ sau “cú nổ” của bong bóng địa ốc năm 2007.
Khi đồng USD tăng giá, sẽ đặc biệt tác động mạnh đến các thị trường mới nổi |
Cũng như Trung Quốc, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), nợ của các công ty trong 12 thị trường mới nổi lớn nhất tăng từ khoảng 60% GDP trong năm 2008 lên hơn 100% trong năm 2015. Đến giữa năm ngoái, các khoản vay bằng USD phi ngân hàng tại các thị trường mới nổi, bao gồm cả các công ty và chính phủ, đã đạt 3,3 ngàn tỷ USD.
Theo tờ Financial Times, các nền kinh tế đang phát triển tiến tới kỷ lục trên thị trường nợ toàn cầu trong năm nay, khi lãi suất rất thấp tại các nền kinh tế phát triển làm giảm chi phí vay cho các nước từ châu Á đến Nam Mỹ. Theo đó, đã kích thích các khoản vay khổng lồ từ các “con nợ” tại thị trường đang phát triển. Sau một khởi đầu chậm chạp, chính phủ ở các nước như Mexico, Qatar và Argentina đã phát hành trái phiếu với tổng trị giá 90 tỷ USD trong năm 2016.
Riêng Argentina đã phát hành nợ ra các thị trường vốn quốc tế lần đầu tiên kể từ năm 2001. Theo thống kê của Dealogic, nước này đã bán 15 tỷ USD trái phiếu, lượng phát hành nợ nhiều nhất từ một quốc gia ở thị trường mới nổi. Hiện tại Argentina đang dẫn đầu về việc phát hành nợ trong số các thị trường mới nổi.
Đến cuối năm nay, JPMorgan dự báo số tiền bán nợ của các thị trường mới nổi tính bằng các đồng tiền "cứng" như USD và euro sẽ vượt quá 125 tỷ USD, đặc biệt với sự xuất hiện lần đầu tiên của Ả rập Xê út trên thị trường trái phiếu toàn cầu.
Tại Mỹ, dữ liệu về việc làm được công bố mới đây cũng đã đẩy lùi kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong tháng này, đồng thời loại bỏ khả năng tăng giá tài sản của thị trường mới nổi.
Theo đánh giá của Công ty tư vấn BlackRock, tài sản của thị trường này hiện đang rất hấp dẫn. Các nhà đầu tư đã rót hơn 16 tỷ USD vào quỹ trái phiếu tại các thị trường mới nổi kể từ khi Anh quyết định rút khỏi EU (Brexit). Dòng tiền cũng chảy mạnh hơn vào cổ phiếu của các thị trường mới nổi.
Từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán thị trường này của MSCI đã tăng mạnh hơn nhiều so với đà tăng của các thị trường Mỹ và châu Âu. Cụ thể, các thị trường chứng khoán tại Brazil, Argentina và Nga đều đã tăng ít nhất 10% trong năm nay. Zsolt Papp, người quản lý nợ tại các thị trường mới của JPMorgan Asset Management cho biết, dòng tiền cho vay tiếp tục đổ vào các thị trường đang nổi lên trong những tháng tới.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Bank of America Merril Lynch lại chỉ ra những rủi ro của xu hướng này. Nga và Brazil đang vật lộn với những khó khăn lớn về kinh tế trong nước. Cùng với đó, giá cả của một số loại hàng hóa, chẳng hạn như dầu vẫn còn thấp. Bên cạnh, đà giảm tăng trưởng của Trung Quốc vẫn tiếp tục là mối lo ngại hàng đầu.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, khi đồng USD tăng giá, sẽ đặc biệt tác động mạnh đến các thị trường mới nổi. Khi các công ty đua nhau để trả bớt nợ USD, giá tài sản tại các thị trường mới nổi sẽ giảm.
Tiếp theo đó, các công ty cắt giảm đầu tư, sa thải lao động và cuối cùng là GDP sẽ giảm theo. Một khi USD tăng mạnh, viễn cảnh về một làn sóng vỡ nợ là hoàn toàn có thể xảy ra dù không sâu rộng như cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008.