Thị trường ô tô Việt 2019: Xe sang đi về đâu?
TIN LIÊN QUAN | |
Xe sang lên ngôi
Các nhà lãnh đạo Mercedes-Benz chắc hẳn có trải nghiệm khá thú vị với thị trường Việt Nam thời gian qua. Ông Choi Duk Jun, Tổng giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam, cho biết năm 2018, doanh số xe Maybach tại Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, bất chấp đây không phải thị trường có thu nhập bình quân đầu người cao.
Tính đến nay, có hơn 400 chiếc Maybach đang chạy ở Việt Nam. Còn với dòng S-Class cũng của Mercedes-Benz, doanh số bán đạt 500 xe chỉ trong 6 tháng cuối năm 2018, bằng doanh số của cả năm 2017 trước đó.
Việt Nam thực sự là một thị trường tiềm năng với xe hạng sang. Theo số liệu Hãng nghiên cứu Wealth-X, số người có tài sản từ 30 triệu USD trở lên tại Việt Nam tăng gần 13% mỗi năm. Không những thế, người giàu Việt Nam ngày càng rất chịu chơi, sẵn sàng chi hàng chục tỷ đồng cho xe sang.
Nguyên nhân được người dùng Việt lựa chọn khi mua xe sang là do các hãng ô tô sang đến từ châu Âu ngoài ưu thế về công nghệ, máy móc, độ an toàn cao thì họ cũng đã nghiên cứu thay đổi mẫu mã liên tục để phù hợp hơn với thị hiếu của người châu Á.
Đặc biệt là người mua xe giờ đây ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố an toàn của chiếc xe sang đến từ châu Âu, bởi điều kiện giao thông của Việt Nam ngày càng cải thiện, khiến cho tốc độ lưu thông của ô tô ngày càng cao.
Tâm lý tiêu dùng của người Việt cũng đã thay đổi, phần nào cởi mở hơn khi lựa chọn cho mình một chiếc xe Đức, xe Anh, thay vì mua một chiếc xe Nhật Bản, xe Hàn Quốc như trước.
Nhận định của các doanh nghiệp kinh doanh và nhập khẩu ô tô cho biết, thị trường xe sang 2019 sẽ sôi động hơn, đặc biệt là phân khúc xe sang hạng trung. Rất nhiều mẫu xe sang có giá từ 1,5-3 tỷ đồng sẽ có doanh số bán tốt. Các mẫu xe GLC, E-Class, C-Class của Mercedes; Seri 3, Seri 5, X1, X2 của BMW; A4, Q5 của Audi… thời gian qua cũng thu hút rất nhiều khách hàng.
Giới kinh doanh ô tô cho biết, năm 2019 sẽ có một xu hướng mua sắm xe ô tô của một bộ phận người Việt Nam có thu nhập không chi cao mà còn hạng trung bình chuyển dịch từ xe bình dân lên xe sang hạng trung tại Việt Nam. Đồng thời, kỳ vọng điều chỉnh về giá cũng là một nguyên nhân quan trọng khác.
Hiện những thương hiệu xe sang có xuất xứ từ châu Âu như Mercedes, BMW, Audi, Volkswagen, Land Rover… được nhập khẩu về Việt Nam phải chịu thuế suất nhập khẩu từ 70-78% tùy loại. Nhưng khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, việc giảm thuế cũng có hiệu lực ngay.
Với lộ trình 10 năm, thuế suất sẽ về mức 0%, thì bình quân một năm sẽ phải giảm thuế 7%. Như vậy, giá các dòng xe sang này xe sẽ có cơ hội để giảm giá.
Kỳ vọng giá giảm đến đâu?
Thị trường ô tô Việt thực tế vừa trải qua nhiều cung bậc cảm xúc đối với kỳ vọng giá giảm. Đầu năm ngoái, Hiệp định Mậu dịch tự do AFTA có hiệu lực đã đưa thuế suất thuế nhập khẩu ô tô giữa các nước trong khu vực về 0%, thị trường chứng kiến sự dịch chuyển mạnh của dòng nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ sang xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, giá không giảm như kỳ vọng.
Còn nhớ vào đầu năm 2018, tại Hội nghị Tổng kết năm 2017 của Bộ Công Thương, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công (một đầu mối nhập khẩu và lắp ráp ô tô nhãn hiệu Huyndai) khẳng định: Nếu được giảm thuế 30-40%, các sản phẩm ô tô nhập khẩu nguyên chiếc sẽ có thể giảm 23-25% giá bán lẻ so với hiện nay.
Nhưng thực tế cho đến nay, giá ô tô vẫn chưa có dấu hiệu giảm với ngay cả những sản phẩm mà Thành Công lắp ráp hay nhập khẩu. Như mẫu xe SUV Huyndai Santafe, Tuson hay xe sedan cỡ nhỏ như Huyndai I10, I20…
Lý giải về việc tăng giá bán xe, ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam cho biết, đơn vị đã cân nhắc đến tất cả các yếu tố trong đó có tỷ giá, chi phí sản xuất, nhập khẩu.
Tuy nhiên, các mẫu xe mới này hãng đưa ra mới đây đã có nhiều nâng cấp đáng chú ý về công nghệ, tiện nghi, khả năng vận hành cũng như khả năng an toàn trên xe nên việc tăng giá bán là hoàn toàn tương xứng khi so sánh với phiên bản cũ.
Hơn nữa, từ cuối năm 2017 Toyota Việt Nam đã điều chỉnh giá xe theo mức thuế nhập khẩu 0% của năm 2018 nên lần này phải thay đổi đã có nhiều nâng cấp đáng chú ý về công nghệ, tiện nghi, khả năng vận hành cũng như khả năng an toàn trên xe nên đây là mức giá hoàn toàn tương xứng khi so sánh với phiên bản cũ.
Trên cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ông Toru Kinoshita cho rằng việc tỷ giá đồng USD tăng không chỉ ảnh hưởng đến Toyota nói riêng mà sẽ ảnh hưởng đến cả ngành ô tô Việt Nam và cả quốc gia nói chung. Đặc biệt, những ngành có tỷ trọng nhập khẩu lớn, trong đó có ô tô, sẽ chịu tác động lớn nhất.
Tuy nhiên, nếu chỉ nói về việc tỷ giá USD tăng so với mức tăng giá bán ô tô là hoàn toàn không thuyết phục bởi giá bán ô tô tăng so với tỷ lệ tăng của tỷ giá cao hơn nhiều.
Nhận định về thị trường ô tô trong năm 2019, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Honda Mỹ Đình cho rằng thị trường ô tô năm 2019 khó có thể giảm giá khi các nhà nhập khẩu và lắp ráp ô tô vẫn chưa có thể đáp ứng nhu cầu thị trường.
Do đó, giấc mơ mua xe giá rẻ theo thuế khó thành hiện thực khi nguồn cung trong nước lẫn nhập khẩu vẫn khan hiếm, đặc biệt ở những mẫu xe bán chạy. Xe sang cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề này trong những năm tới.