Thị trường tiền tệ cuối năm sẽ ổn định
Ông Phạm Hồng Hải |
Dựa trên những quan sát của mình, ông đánh giá thế nào về thị trường tiền tệ những tháng cuối năm?
Thị trường sẽ không có biến động nhiều từ giờ đến cuối năm, cả về lãi suất, tăng trưởng tín dụng (TTTD), thanh khoản và tỷ giá. Như về lãi suất, thực ra lãi suất thị trường liên ngân hàng đã được điều chỉnh và đang phản ánh cung cầu trên thị trường rồi. Mặc dù hiện nhiều DN vẫn kỳ vọng có khả năng lãi suất sẽ giảm, nhưng tôi nghĩ khả năng ấy sẽ rất khó trong bối cảnh hiện nay, với việc Fed đã đưa ra thông điệp sẽ tăng lãi suất 1 lần nữa vào cuối năm nay và từ 2 đến 3 lần trong năm 2019, thêm vào đó là đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc vừa rồi mất giá rất mạnh.
Về phía Tập đoàn HSBC chúng tôi dự báo, nếu như lạm phát tiến gần đến ngưỡng 4% cả năm, cộng thêm với áp lực tiền đồng trước nguy cơ mất giá thêm thì có khả năng lãi suất VND sẽ được điều chỉnh nhẹ (có thể từ 0,5 đến 1%) để đưa ra thông điệp cho thị trường là NHNN sẽ chấp nhận đưa lãi suất lên để tạo tính hấp dẫn cho VND và giữ sự bình ổn cho thị trường, qua đó cũng giảm áp lực với đồng NDT và các đồng tiền khác trong khu vực hiện vẫn đang trong xu hướng giảm giá.
Theo ông, liệu thanh khoản của hệ thống ngân hàng có vấn đề gì vào cuối năm không?
Thanh khoản thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chính sách của NHNN, do bơm hút tiền qua thị trường mở, do tiền gửi Kho bạc tại các ngân hàng… Tuy nhiên về tổng thể, không lo thị trường thiếu hụt thanh khoản bởi thị trường thực sự không thiếu vốn. Hơn nữa, nếu nhìn vào các chỉ số về an toàn thanh khoản sẽ thấy được NHNN ngày càng siết chặt lại, từ việc vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, đầu tư trái phiếu... đều chặt hơn rất nhiều. Vì thế tôi không nghĩ là thị trường sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng về thanh khoản như trong quá khứ.
Mặc dù vậy, một số ngân hàng đặc biệt là các ngân hàng nhỏ có thể gặp khó khăn hơn. Bởi bản thân khách hàng hiện nay cũng rất thận trọng trong việc lựa chọn ngân hàng gửi tiền. Họ thường tìm đến với những ngân hàng có quản trị rủi ro tốt, có tên tuổi tốt chứ không lựa chọn những ngân hàng có lãi suất cao để gửi như trước. Điều đó cho thấy khả năng huy động vốn của các ngân hàng nhỏ sẽ khó hơn so với các ngân hàng lớn.
Thanh khoản của các ngân hàng vẫn trong trạng thái tích cực |
Vậy ông nhìn nhận thế nào về TTTD trong năm nay?
Tôi nghĩ nhiều khả năng TTTD sẽ không đạt được mức 17% trong năm nay mà chỉ vào khoảng 14 - 15%. Tuy nhiên theo tôi nếu TTTD chỉ ở mức đó thì sẽ là thông điệp rất tốt. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm rất hoan nghênh và luôn khuyến khích TTTD thấp đi. Rõ ràng khi mình chứng minh được là TTTD giảm xuống nhưng vẫn duy trì được đà tăng trưởng kinh tế cao cho thấy dòng vốn đang đi đúng vào những lĩnh vực có chất lượng, hiệu quả hơn.
Đồng thời với đó, NHNN nên xem xét dần dỡ bỏ trần TTTD cho những ngân hàng hoạt động lành mạnh, có tính tuân thủ cao. Bởi trên thực tế, nếu áp dụng trần TTTD thì ngân hàng sẽ xử lý sao với những nhu cầu vốn của DN, kể cả những DN tốt nếu đã trót “xài” hết room. Nên tôi nghĩ với những ngân hàng tuân thủ tốt, bảng tài sản lành mạnh thì cần dần dỡ bỏ trần TTTD, để giúp ngân hàng linh hoạt hơn trong hoạt động, đồng thời qua đó cũng giúp các chuẩn mực thị trường tốt lên.
Nhưng tại sao khi TTTD thấp đi mà kết quả kinh doanh của các ngân hàng vẫn rất khả quan, thưa ông?
Điều đó phản ánh một thực tế là các ngân hàng đã không còn phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng. Ví dụ nhìn vào mảng Bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) thì thấy rất rõ là hiện đã có nhiều ngân hàng đặt mảng này là một trọng tâm và họ đã thu được lợi nhuận từ việc ký các hợp đồng độc quyền với các công ty bảo hiểm. Hay các ngân hàng cũng tập trung nhiều hơn vào mảng dịch vụ hơn, như quản lý tiền tệ; tức là thay vì tập trung vào cho vay thì bây giờ tôi làm sao gom các dòng tiền của khách hàng về tài khoản, quản lý hiệu quả hơn cho khách hàng và thu được phí từ đó…
Tuy nhiên, tôi vẫn lưu ý 2 vấn đề. Thứ nhất, do kinh tế vĩ mô đang tốt cũng góp phần nâng cao hiệu quả các khoản cho vay. Tuy nhiên, nếu môi trường vĩ mô xấu đi thì chất lượng của các khoản cho vay chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Thứ hai, phần dư nợ cho vay bất động sản (BĐS), cho vay cơ sở hạ tầng (CSHT) hiện nay vẫn là một ẩn số. Bởi nếu theo số liệu báo cáo thì không cao và trong thời gian qua có giảm đi nhưng cũng có quan điểm trên thị trường cho rằng, một số ngân hàng đã đi vòng qua tiêu dùng để cho vay BĐS, hay như cho vay CSHT cũng vẫn còn gặp các vấn đề chưa thông suốt như trạm thu phí… Khi KTVM vẫn tốt như hiện nay thì sẽ không có vấn đề gì. Vấn đề chỉ xảy ra khi có sự giảm tốc đột ngột hay có những biến động lớn. Nên vẫn cần coi đây là một trong những rủi ro.
Vậy giải pháp cho vấn đề này thế nào?
Tôi nghĩ định hướng và thông điệp của NHNN đã rất rõ. Nhưng vấn đề thực thi thì vẫn cần phải có sự giám sát chặt chẽ thêm. NHNN đã đưa ra luật chơi, nhưng tính tuân thủ thị trường cũng phải được đề cao lên và nó sẽ đi kèm theo chính sách thưởng và phạt, như khi không tuân thủ thì phải chấp nhận chịu phạt.
Xin cảm ơn ông!
Theo báo cáo thị trường tiền tệ tháng 10 của Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân thuộc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa công bố, chênh lệch lãi suất USD - VND nới rộng và NHNN có những động thái kịp thời hỗ trợ tỷ giá là những yếu tố chính giúp ổn định đồng VND trong bối cảnh thị trường tiền tệ thế giới có nhiều biến động. Về lãi suất, do bước vào mùa cao điểm cuối năm cộng hưởng với nhu cầu bảo vệ đồng VND trong bối cảnh NDT tiếp tục mất giá nên xu hướng lãi suất VND trong những tháng tới sẽ khó giảm. |