Thị trường tiền tệ quý I: Tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 3/2024 so với tháng trước |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2024 tăng 3,97%, lạm phát cơ bản tăng 2,76% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung Quý I/2024, CPI tăng 3,77% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.
Trong kết quả chung đạt được đó, chính sách tiền tệ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2024 bình quân khoảng 4-4,5%, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt để điều tiết tiền tệ, góp phần ổn định thị trường tiền tệ và thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ: Trên cơ sở theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối, NHNN tiếp tục duy trì chào mua có kỳ hạn giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở hàng ngày với khối lượng phù hợp, chủ động tăng khối lượng chào mua dịp trước và sau tết Nguyên đán để sẵn sàng hỗ trợ vốn cho các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ. Từ 11/3/2024, thực hiện phát hành tín phiếu để chủ động kiểm soát tiền tệ, hỗ trợ điều hành tỷ giá.
Điều hành tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2024 khoảng 15% và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, NHNN thực hiện giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% ngay từ đầu năm và thông báo nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2024 để các tổ chức tín dụng chủ động triển khai thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Tính đến ngày 25/3/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1,17%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26% (cùng thời điểm năm 2023 tăng 1,99%).
Về điều hành lãi suất, tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau 4 lần điều chỉnh giảm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp; tiếp tục khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các NHTM giảm so với cuối năm 2023. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc công bố lãi suất, hiện có 58/94 tổ chức tín dụng đăng tải thông tin về lãi suất cho vay trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng.
Về điều hành tỷ giá, về cơ bản, cân đối cung cầu ngoại tệ duy trì tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với xu hướng các đồng tiền quốc tế so với USD. Tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Đến ngày 25/3/2024, tỷ giá trung tâm ở mức 24.015 VNĐ/USD, tăng 0,62% so với cuối năm 2023. Tỷ giá niêm yết mua - bán của Vietcombank ở mức 24.570-24.940 VNĐ/USD, tăng 2,13-2,16% so với cuối năm 2023.
Tỷ giá bán tại các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng, thậm chí có ngân hàng đã vượt 25.000 nghìn đồng/USD (tỷ giá bán ra ngày 28/3 của ngân hàng TPBank là 25.050 đồng/USD; ACB, SHB là 25.000 nghìn đồng/USD; VIB là 25.080 đồng/USD; Vietcombank là 24.950 VND/USD…), dự báo tiếp tục chịu áp lực tăng trong thời gian tới do các nguyên nhân chủ yếu sau: (1) nhu cầu nhập khẩu dự báo tăng cao, do tỷ lệ tồn kho Quý I đã giảm xuống còn 68,7%, gần mức an toàn (65%); (2) áp lực dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng lớn trong bối cảnh dư nợ tín dụng tiếp tục tăng thấp; (3) chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và USD. Tỷ giá tăng tạo áp lực lên lạm phát, chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất và làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với dòng vốn nước ngoài đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống ATM nhìn chung hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Đến nay, các tổ chức tín dụng đã gửi phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (trong đó, Agribank, BIDV đã hoàn thành phê duyệt phương án cơ cấu lại; 15 ngân hàng thương mại cổ phần đã hoàn thiện phương án cơ cấu lại đảm bảo theo yêu cầu; các tổ chức tài chính vi mô, Ngân hàng Hợp tác xã đã hoàn thành việc phê duyệt phương án cơ cấu lại). Tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Đến cuối tháng 1/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 4,79% (tháng 12/2023 là 4,55%). Trong tháng 1/2024, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 27,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu.