Thị trường và thị trường hơn cần là trọng tâm của cải cách
Ảnh minh họa |
Tăng trưởng nhanh nhưng chưa "hóa rồng, hóa hổ"
Sáng 30/10, Quốc hội bắt đầu 2 ngày thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tại phiên thảo luận này, Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm phát biểu rằng dù Việt Nam tăng trưởng nhanh và vẫn đang trong nhóm nước có tốc tăng trưởng cao hàng đầu thế giới nhưng “chưa hóa rồng, hóa hổ”.
Nguyên nhân được chỉ ra là tuy Việt Nam đi được nhiều bước nhưng là những bước ngắn, vì thế vẫn tụt hậu so với những quốc gia đang bước chậm nhưng bước những bước dài.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh khoảng cách về GDP bình quân đầu người của Việt Nam với thế giới ngày càng xa hơn. Hơn 30 năm trước Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD, tức là GDP bình quân đầu người của Việt Nam kém bình quân thế giới 3900 USD. Đến năm 2017, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng lên đến khoảng 2.385 USD thì thế giới khoảng 10.700 USD, Việt Nam kém thế giới 8.315 USD. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2018 tăng lên đến 2.590 USD thì thế giới đã đạt mức 11.000 USD, cao hơn Việt Nam tới 8.410 USD.
Cũng buổi sáng cùng ngày, tại Hội thảo "Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng" do Chương trình "Ôxtrâylia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam" (Aus4Reform) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Tuy Việt Nam đang có được tốc độ tăng trưởng cao và vào hàng cao nhất thế giới nhưng tương lai vẫn là tụt hậu.
Cũng lấy GDP bình quân đầu người đề so sánh, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, mức Việt Nam đạt được ở năm 2018 tương đương với mức của Hàn Quốc ở 32 năm trước (năm 1986), tương đương với Malaysia 36 năm trước (năm 1982) và tương đương với mức của Trung Quốc ở 9 năm trước (năm 2009). Và với thực trạng như hiện nay, Việt Nam sẽ không thể đuổi kịp các nước nói trên.
4 kịch bản tăng trưởng
Minh họa cho phát biểu này, ông Cung đưa ra 4 kịch bản của Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Với giả định nếu các quốc gia khác vẫn giữ nguyên tốc độ tăng trưởng như hiện nay, với kịch bản 0: Việt Nam duy trì tăng trưởng GDP ở mức hiện tại khoảng 6%/năm thì khoảng cách với các nước sẽ ngày càng xa ra.
Theo kịch bản này, đến năm 2030 GDP/người của Việt Nam mới đạt 13.987 USD và bằng mức của Hàn Quốc những năm 1940, bằng Malaysia năm 1995 và bằng Trung Quốc năm 2017.
Đến năm 2045, GDP/người của Việt Nam đạt được 31.156 USD, bằng Hàn Quốc năm 2011, bằng Malaysia năm 2022 và bằng mức Trung Quốc đạt được ở năm 2030 - tức là vẫn chậm hơn Trung Quốc 15 năm.
Liệu có một kịch bản đuổi kịp trong thực trạng như hiện nay?
Theo kịch bản 1, Nếu các quốc gia khác vẫn giữ nguyên tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Việt Nam vẫn mang tư duy phát triển như hiện nay thì khoảng cách của Việt Nam với Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc vẫn duy trì như hiện nay.
Theo kịch bản 2, đến năm 2045 Việt Nam có thể đuổi kịp được ba nước nói trên.
Ở kịch bản 3, đến năm 2045 Việt Nam có thể vượt qua cả 3 nước nói trên.
Nhưng “nếu không tháo trần tư duy để cải cách mạnh mẽ, triệt để và nhất quán chuyển sang kinh tế thị trường thì ngay cả kịch bản số 0 cũng khó đạt”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Tìm động lực mới cho tăng trưởng bền vững
Theo nhìn nhận của Cung, động lực tăng trưởng hiện nay đang yếu dần và trở nên bấp bênh hơn. Từ năm 2017, tuy tăng trưởng được cải thiện dần và đạt mức tăng trưởng cao so với khu vực, nhưng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, khu vực FDI và vào sản xuất công nghiệp...
Nhưng xuất khẩu đang khá bấp bênh và rủi ro không nhỏ khi xuất khẩu lớn vào Mỹ, trong khi Mỹ đang gia tăng trừng phạt với nhiều nước và Việt Nam không chắc chắn là được loại trừ.
Đầu tư nhà nước và FDI không còn là động lực tăng trưởng, khi đầu tư công ít đi và giải ngân chậm, số dự án FDI đăng ký mới có tăng nhưng số vốn đăng ký mới trung bình một dự án ít hơn cùng kỳ năm ngoái tới 14%, quy mô dự án nhỏ.
Vì thế, động lực tăng trưởng của giai đoạn tiếp theo chính là khu vực tư nhân trong nước. Hiện kinh tế khu vực tư nhân ở Việt Nam phát triển khá nhanh và mạnh, trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam.
Nói về giải pháp tiếp tục duy trì, cải thiện tốc độ tăng trưởng trong các năm tiếp theo, ông Cung nói: “Nếu tăng được hiệu quả sử dụng nguồn lực ta sẽ đuổi kịp thiên hạ. Và giải pháp chỉ gói gọn theo 5 từ: Thị trường và thị trường hơn. Đây chính là trọng tâm của cải cách”.
Theo đó, phải tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô và trực tiếp hỗ trợ hợp lý đối với tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển. Phải bãi bỏ các rào cản, thủ tục hành chính bất hợp lý, đơn giản hóa, hợp lý hóa các các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường; tạo thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân xây dựng năng lực sản xuất kinh doanh mới cho nền kinh tế.
“Đây là điều cần làm nhưng lâu nay không làm”, ông Cung nói.
Nhưng nếu để từng bộ làm sẽ không bao giờ làm được điều này, vì đây là mảnh đất "đầy rẫy xin cho", nếu để các bộ làm cùng nhau sẽ có sự thỏa hiệp giữa các bộ. Vì vậy cần lập tổ liên ngành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng hoặc là Phó Thủ tướng.
Tổ này sẽ rà soát để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ hết các rào cản bất hợp lý, sửa đổi các thủ tục hành chính, các chồng chéo, trùng lặp, không rõ ràng… trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, cần soạn thảo một luật sửa đổi bổ sung các điều khoản chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn, những điều khoản đang làm phát sinh quy trình, thủ tục hành chính bất hợp lý... đối với đầu tư xây dựng trong tất cả các luật có liên quan. Dự thảo luật này cần trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất có thể.
“Đây là việc lẽ ra phải làm từ 10 năm qua nhưng chưa làm được, nếu không quyết liệt thì 10 năm nữa cũng không làm được. Làm được việc này, khu vực tư nhân sẽ có điều kiện, không gian và động lực để phát triển”, ông Cung nói.