Thời cơ lớn để Hà Nội thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn
Hà Nội định hướng và nhất quán quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó ưu tiên tiếp nhận các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường với các sản phẩm có giá trị thương mại mang tính cạnh tranh cao nhằm tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Vũ Duy Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cho biết tại tọa đàm "Phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn và kết nối đầu tư" do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phối hợp với Tập đoàn VinaCapital tổ chức ngày 27/9.
Tọa đàm "Phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn và kết nối đầu tư". |
Cũng theo ông Tuấn, Hà Nội luôn sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp để triển khai các dự án như tạo thuận lợi về thủ tục đầu tư cũng như bảo đảm cung cấp các dịch vụ hạ tầng thiết yếu như điện, nước, xử lý nước thải, chất thải, dịch vụ logistics. Đồng thời, Hà Nội tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho vận hành các dự án đầu tư.
Theo cơ chế hiện hành của Hà Nội, lĩnh vực công nghiệp sẽ thực hiện các cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, áp thuế 5% trong 9 năm tiếp theo và lên mức 10% trong 15 năm sau đó. Hà Nội cũng miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định với các nguyên liệu, vật tư cũng như các linh kiện để thực hiện dự án đầu tư theo danh mục.
Đại diện Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, Hà Nội xác định tầm quan trọng to lớn của ngành bán dẫn trong quá trình phát triển giai đoạn mới, kết hợp với hiện đại hóa, gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Thành phố chủ trương thúc đẩy hợp tác, xây dựng hệ sinh thái, kêu gọi đầu tư nước ngoài với ưu tiên một số ngành công nghệ cao như sản xuất chíp bán dẫn, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thiết bị hiện đại… để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Don Lam - Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, cho biết Việt Nam mới đây đã nâng cấp quan hệ ngoại giao đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, sau đó nhiều tập đoàn hai nước đã ký biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực phát triển bán dẫn và công nghệ cao.
Nhiều nhà đầu tư lớn của Mỹ đặc biệt quan tâm đến vị trí của Hà Nội trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao, do đó có thể coi đây là thời cơ lớn nhất từ trước đến nay đối với Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, khi thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn trong bối cảnh phát triển chung được toàn thế giới quan tâm.
Theo ông Don Lam, Hà Nội có nhiều thuận lợi để phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn, xây dựng hệ sinh thái như tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu cùng đông đảo nguồn nhân lực trẻ năng động và sáng tạo, sẵn sàng tiếp cận và phát triển lĩnh vực chip bán dẫn khi được đầu tư và chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài.
Ông Don Lam cũng cho rằng đây là thời cơ lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn. Hà Nội là địa phương vô cùng thuận lợi trong phát triển ngành công nghiệp này. Hy vọng đầu năm 2024 có ít nhất 5 doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư trực tiếp vào Hà Nội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Ông Trần Tuệ Minh, nhà phân tích chất bán dẫn số 1 châu Á - đại diện đoàn doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), cho biết theo dự báo của Viện Nghiên cứu Công nghiệp Đài Loan, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ tăng lên 551 tỷ USD trong năm 2023, trong khi hiện doanh nghiệp của Đài Loan (Trung Quốc) là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn thứ 2 trên thế giới.
Theo ông Minh, các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam gia nhập hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu, cam kết chia sẻ kinh nghiệm hoạch định chính sách, cũng như ưu tiên hàng đầu việc nội địa hóa phần mềm, đào tạo chuyên gia sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.
Chia sẻ với các nhà đầu tư tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, Hà Nội chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án phù hợp với định hướng chung, trong đó, chú trọng ngành công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn kết hợp từng bước nghiên cứu, phát triển sản phẩm bán dẫn.
Thành phố chuẩn bị sẵn sàng tối đa cho dự án mới, từ mặt bằng tại các khu công nghiệp, hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng giao thông, đơn giản hóa thủ tục hành chính đến cung cấp nguồn nhân lực…
Nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn, ông Nguyễn Mạnh Quyền giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Danh mục dự án xúc tiến đầu tư làm cơ sở kêu gọi, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu; thường xuyên kết nối với Quỹ VinaCapital và các công ty, tập đoàn có nhu cầu đầu tư tại Hà Nội để tiếp thu các đề nghị, giải đáp vướng mắc, hỗ trợ thủ tục và các điều kiện cần thiết để các nhà đầu tư sớm xem xét, triển khai các hoạt động đầu tư tại Hà Nội.
Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất rà soát các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quỹ đất, cơ chế đầu tư và các điều kiện cần thiết khác phục vụ thu hút đầu tư các dự án nghiên cứu, sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn; đảm bảo tuân thủ đúng mục tiêu, tôn chỉ của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các trường Đại học, Cao đẳng quan tâm nghiên cứu thúc đẩy hợp tác, mở rộng quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng cho Việt Nam, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.