Thống đốc BoJ cho biết có thể rút lui khỏi chính sách nới lỏng trước khi lương thực tế tăng
BoJ lên kế hoạch thoát khỏi chính sách nởi lỏng Nhật Bản: Hoạt động dịch vụ tăng trưởng chậm nhất năm trong tháng 10 |
Thống đốc BoJ Kazuo Ueda |
“Tiền lương thực tế có thể sẽ có chuyển biến tốt hơn”, ông Ueda nói và thêm rằng: “Nhưng xét về việc chúng ta duy trì gói nới lỏng tiền tệ khổng lồ trong bao lâu... tiền lương thực tế không nhất thiết phải chuyển biến tích cực trước khi quyết định đó được đưa ra”.
Ông Ueda nói trước quốc hội rằng: “Quyết định chấm dứt chính sách tiền tệ nới lỏng có thể được đưa ra nếu chúng ta có thể thấy trước một cách chắc chắn rằng tiền lương thực tế sẽ chuyển biến tích cực trong thời gian tới”.
Thống đốc BoJ cho biết tác động của nhập khẩu lạm phát sẽ giảm và tiền lương cũng như lạm phát cần phải tăng song song với nhau để BoJ có thể cân nhắc việc thoát khỏi chính sách tiền tệ hiện tại.
Các chuyên gia phân tích dự đoán mức lương thực tế đã điều chỉnh theo lạm phát của Nhật Bản đã giảm tháng thứ 18 liên tiếp trong tháng Chín và sẽ tiếp tục giảm mạnh trong năm tới do việc tăng lương không theo kịp tốc độ tăng giá.
BoJ hiện đặt mục tiêu 0% cho lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm theo chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) và hướng dẫn lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% để thúc đẩy tăng trưởng và đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.
Ông Ueda nhấn mạnh một lần nữa quyết tâm của BoJ trong việc duy trì chính sách nới lỏng cho đến khi lạm phát do chi phí đẩy gần đây chuyển thành giá cả tăng do nhu cầu trong nước mạnh mẽ và mức lương cao hơn.
“Khi xem xét xu hướng lạm phát, vẫn còn một khoảng cách nào đó đối với mục tiêu 2% của chúng tôi. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang tiếp tục nới lỏng chính sách với quy mô lớn”, ông Ueda nói.
Lạm phát tiêu dùng lõi của Nhật Bản tăng 2,8% so với cùng kỳ trong tháng Chín, vẫn cao hơn mục tiêu của BoJ nhưng lần đầu tiên chậm lại dưới ngưỡng 3% sau hơn một năm do ảnh hưởng của đợt tăng giá hàng hóa toàn cầu trước đây đã dần biến mất.
Trong ước tính được đưa ra vào tháng trước, BoJ đã điều chỉnh tăng dự báo lạm phát tiêu dùng lõi là 2,8% trong năm nay và năm tới, nhưng sẽ giảm xuống dưới 2% vào năm 2025.
Ông Ueda cũng cho biết những biến động tỷ giá là một trong những tác dụng phụ mà ngân hàng trung ương đang xem xét kỹ lưỡng trong việc duy trì chính sách YCC của mình.
“Nếu việc kiểm soát đường cong lợi suất làm tăng biến động tỷ giá, thì đó được coi là một trong những tác dụng phụ của chính sách”, ông Ueda trả lời khi được hỏi liệu ông có thấy đồng yên Nhật giảm mạnh là tác dụng phụ của chính sách tiền tệ nới lỏng của BoJ hay không.
Sau giai đoạn ổn định ngắn hạn vào tuần trước, đồng tiền Nhật Bản lại tiếp tục giảm xuống dưới 150 JPY/USD, mức mà các nhà giao dịch coi là mức làm tăng khả năng can thiệp tiền tệ của chính quyền Nhật Bản.
YCC đã bị một số nhà lập pháp chỉ trích vì làm gia tăng khoảng cách lợi suất giữa Mỹ và Nhật Bản và khiến đồng yên giảm giá, đẩy chi phí nhập khẩu tăng cao.
BoJ đã điều chỉnh YCC vào tháng Bảy và tháng 10 để cho phép lợi suất dài hạn tăng nhiều hơn, phản ánh lạm phát cao hơn, một động thái mà ông Ueda giải thích là nhằm ứng phó với các tác dụng phụ của chính sách bao gồm nguy cơ gây ra biến động tỷ giá.