Thống nhất các bước bắt tay vào tái cơ cấu nợ
Ảnh minh họa |
WB, IMF và Ấn Độ - Chủ tịch hiện tại của G20 - đã đưa ra một tuyên bố chung sau cuộc họp đầy đủ đầu tiên của Hội nghị bàn tròn về Nợ có chủ quyền toàn cầu, được tổ chức trong khuôn khổ chương trình nghị sự các cuộc họp mùa xuân của Nhóm WB và IMF diễn ra tại Washington. Tuy nhiên, tuyên bố không đề cập đến bất kỳ cam kết nào của Trung Quốc - chủ nợ song phương lớn nhất thế giới - để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
Reuters đưa tin Bắc Kinh đã sẵn sàng từ bỏ yêu cầu các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) chia sẻ tổn thất tái cơ cấu nợ, như một phần để đổi lấy việc IMF và WB sẽ cung cấp quyền truy cập sớm hơn vào các phân tích bền vững nợ của họ cho các quốc gia nhận xử lý nợ.
Giám đốc chiến lược IMF, bà Ceyla Pazarbasioglu cho biết, Trung Quốc và các bên tham gia khác đã đồng ý rằng, có nhiều cách khác nhau để đóng góp vào quá trình tái cấu trúc nợ và "cách tốt nhất để MDB đóng góp... là cung cấp tài chính mới cho các quốc gia, càng nhiều càng tốt dưới dạng viện trợ không hoàn lại". “Đây là điều quan trọng có thể thực hiện được và tôi nghĩ rằng sự đồng thuận này sẽ cho phép và tạo điều kiện thuận lợi để đạt được thỏa thuận nhanh hơn về các trường hợp nợ riêng lẻ”, bà Ceyla Pazarbasioglu nói.
Tuyên bố cho biết, các bên muốn "tập trung vào các hành động có thể được thực hiện ngay bây giờ để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nợ và làm cho chúng hiệu quả hơn, bao gồm cả theo Khuôn khổ chung G20". Cùng với đó, các bên đồng ý về sự cần thiết phải khẩn trương cải thiện việc chia sẻ dữ liệu về các dự báo kinh tế vĩ mô và đánh giá tính bền vững của nợ trong các trường hợp xóa nợ. IMF và WB sẽ sớm ban hành các hướng dẫn để đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu kịp thời hơn.
Tại hội nghị bàn tròn này, các đại diện cũng thảo luận về vai trò của các MDB trong quá trình tái cơ cấu nợ thông qua việc cung cấp các dòng tài chính ưu đãi và hoan nghênh việc giảm nợ tiềm ẩn do Hiệp hội Phát triển Quốc tế của WB cung cấp thông qua các khoản cho vay hoặc tài trợ lãi suất thấp hoặc bằng không. Các bên đã đồng ý ngay trong những tuần tới sẽ tiếp tục làm việc làm rõ các mốc thời gian để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nợ.