Thông tư 20 đã hoàn thành sứ mệnh
Ông Đậu Anh Tuấn |
Nhưng việc TT 20 buộc các nhà nhập khẩu xe ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng sản xuất và các điều kiện về trạm bảo hành được cho là để kiểm soát nhập khẩu ô tô, thưa ông?
Thường chúng ta nói đến kiểm soát nhập khẩu ô tô là liên quan đến kiểm soát chất lượng và kiểm soát thị trường. Kiểm soát về chất lượng thì có thể khẳng định về mặt pháp luật, Việt Nam hiện đã có đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng ô tô sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam.
Bất cứ ô tô nào lăn bánh tại Việt Nam đều được đăng kiểm và đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật. Việc triệu hồi xe cũng đã được quy định tại Thông tư 19/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông -Vận tải...
Nhập khẩu ô tô vẫn tăng mạnh cho dù có quy định nhằm kiểm soát |
Còn về kiểm soát thị trường, tiêu thụ ô tô tăng hay giảm phụ thuộc quan trọng nhất vào quan hệ cung cầu. Cầu luôn luôn có, dù xe buộc phải uỷ quyền hay không uỷ quyền vẫn luôn có. Từ số liệu nhập khẩu xe của hải quan thì từ khi có TT 20 cho đến nay số xe nhập khẩu vẫn tăng đều, thậm chí tăng mạnh (năm 2011 có 55 nghìn xe, năm 2015 là 125 nghìn xe).
Do vậy có thể kết luận, TT 20 đã hoàn thành sứ mệnh trong thời điểm đó. Hiện nay, vai trò của TT 20 không lớn trong kiểm soát chất lượng hay thị trường ô tô nhập khẩu.
Đáng ra, quy định nhà nước để bảo đảm lợi ích đông đảo người tiêu dùng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh cần phải hạn chế quan hệ phân phối của hãng, giảm vai trò chi phối thị trường chứ không phải là luật hoá các quan hệ này… Bởi cạnh tranh luôn là giải pháp tốt nhất để nâng cao chất lượng.
Nhập khẩu ô tô gia tăng, theo như số liệu ông dẫn ra, liệu có hàm ý khả năng ô tô từ các nước trong khu vực sẽ tràn vào ngày càng nhiều nếu bỏ TT 20?
Với khối ASEAN, năm 2018 ô tô nhập khẩu trong nội khối áp thuế suất 0% với yêu cầu phải nội địa hoá 40%. Hiện tại, xe sản xuất trong khối thì chỉ từ Thái Lan nhưng họ chủ yếu sản xuất xe tay lái nghịch. Nhập xe tay lái nghịch về Việt Nam bị cấm, không dễ. Muốn mua đơn hàng bé từ Thái Lan là không thể, phải những đơn hàng rất lớn.
Vậy còn đối với vấn đề đảm bảo an toàn, chất lượng xe… thì sao?
Đảm bảo an toàn cho phương tiện là quy chuẩn chung của Việt Nam, không thay đổi dù đó là xe sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Chúng tôi cho rằng nên thúc đẩy cạnh tranh bằng chất lượng. Và khi có cạnh tranh thì người tiêu dùng mới có lợi: giá xe giảm, dịch vụ hậu mãi tốt hơn...
Hiện nay, muốn mua xe chính hãng thì có thể phải ký hợp đồng mà không biết khi nào được nhận xe. Và vì TT 20 nên trên thị trường đang có muôn vàn cách thức lách luật: cho biếu tặng, xe mới làm thủ thuật thành cũ để nhập...
Hiện thị trường nhập khẩu xe đang nằm trong tay các DN lớn và liên kết với nhau rất chặt chẽ. Bãi bỏ TT 20 làm giảm nguy cơ hình thành các thoả thuận hạn chế cạnh tranh. Điều này làm méo mó thị trường, gây cạnh tranh không lành mạnh. Bãi bỏ TT 20 là cách thức quan trọng để thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Như ông nói, nếu tạo được thị trường cạnh tranh thì chúng ta có thể kỳ vọng phát triển được sản xuất trong nước không?
Việt Nam đã có đủ thời gian để chứng minh được rằng việc dựng hàng rào bảo hộ sản xuất trong nước là không hiệu quả, nhất là với công nghiệp ô tô. Từ thực tiễn quan sát thì TT 20 đang tạo ra động lực ngược cho các liên doanh sản xuất ô tô trong nước: tập trung nhập khẩu xe từ nước ngoài thay cho việc nỗ lực sản xuất và nội địa hoá. Theo tôi, duy trì cạnh tranh thì hiệu quả đối với thị trường sẽ tốt hơn.
Tức là không nên phân biệt quy mô DN, cần đảm bảo cạnh tranh bình đẳng?
Hiện tại Chính phủ đang soạn thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó đang đưa vào một quy định về việc các cơ quan Nhà nước không được đặt ra điều kiện dưới hình thức nào đó mà hạn chế khả năng gia nhập thị trường, kinh doanh của DN nhỏ và vừa. Trong khi đó, TT 20 đang đi theo hướng này, cản trở việc gia nhập thị trường của các DN nhỏ.
Tôi cho rằng cần quy định để thúc đẩy phát triển một cộng đồng DN tư nhân trong nước. Trường Hải từng xuất phát từ một DN nhỏ bé, phân phối… mà phát triển lớn mạnh đến nay. Vì vậy, nên trao cho họ cơ hội, đừng ngăn cản. Hãy để các DN tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ, rồi từ DN nhỏ mới tạo thành nhiều DN tư nhân lớn như Trường Hải!
Xin cảm ơn ông!
Thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung những giấy tờ sau cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền: 1. Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật: 1 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân. 2. Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông - Vận tải cấp: 1 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân. Trích TT 20 |