Thu, chi ngân sách Nhà nước: Cần giải pháp hóa giải những “khoảng tối”
Chậm giải ngân đầu tư càng khiến ngân sách bị lãng phí |
Thảo luận về nội dung chính sách thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) trong thời gian vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh những điểm sáng là tỷ trọng thu nội địa tăng dần trong tổng thu NSNN và giảm dần sự phụ thuộc vào thu từ dầu thô, thu từ đất đai… chính sách thu ngân sách còn nhiều hạn chế. Chúng ta vẫn đang đối diện với nhiều thách thức để hoàn thành các mục tiêu trong chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020.
Chính sách chưa theo kịp thực tế
Khái quát một số tồn tại về chính sách thu ngân sách từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu khác cho rằng, việc mở rộng cơ sở thuế chưa đạt yêu cầu, mặc dù kinh tế đất nước đang phát triển nhanh chóng, các hình thức sản xuất kinh doanh ngày càng đa dạng nhưng các chính sách về thu ngân sách chưa theo kịp để bao quát hết nguồn thu cho NSNN.
Các hoạt động cung cấp dịch vụ mua, bán hàng hóa xuyên biên giới, thương mại điện tử ngày càng đa dạng và tăng nhanh chóng về khối lượng giao dịch, nhưng chúng ta chưa có các công cụ hữu hiệu để quản lý, gây thất thu NSNN. Nhiều dịch vụ phát sinh doanh thu lớn tại Việt Nam nhưng chúng ta không thu được thuế do các DN cung cấp dịch vụ không đặt trụ sở tại Việt Nam…
Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã khiến cho tỷ lệ huy động GDP từ thuế và phí vào NSNN giảm dần theo các năm. Năm 2018 tỷ lệ huy động 21,2%, năm 2019 chỉ còn 20,2% và dự kiến năm 2020 chúng ta chỉ còn lại 19,2%. Đây là một tỷ lệ rất thấp, nếu chúng ta so sánh với quốc tế khi tỷ lệ này của các nước G7 là từ 47% đến 53%; còn với các nước OECD khoảng 35 - 37%. “Nhưng qua những con số này đã cho thấy tỷ lệ huy động này còn quá thấp. Trong thời gian sắp tới, nếu chúng ta đưa 25% GDP của các thành phần kinh tế chưa quan sát vào thì tỷ lệ này càng thấp hơn”, đại biểu Quang phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cũng cho rằng, dù ngân sách trung ương thu vượt dự toán là năm thứ hai liên tiếp nhưng chỉ chiếm 56% tổng thu NSNN, thấp hơn mục tiêu đề ra là 60 đến 65%. Điều này cho thấy vai trò chủ đạo của việc tăng thu ngân sách trung ương trong tổng thu NSNN chưa rõ nét, việc thu từ sản xuất kinh doanh tại các khu vực DN chưa cao, chưa thể hiện nguồn lực nội tại của nền kinh tế.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp điều hành phù hợp nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế trong nước, đồng thời thể hiện được vai trò đầu tàu của ngân sách trung ương.
Lo chất lượng điều hành
Về chi ngân sách, cũng theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, chi thường xuyên vẫn ở mức cao; vốn đầu tư phát triển tiếp tục giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân đến nay chỉ đạt 91,1% kế hoạch Thủ tướng giao. Nếu so với dự toán của Quốc hội thì tỷ lệ này còn thấp hơn, trong đó giải ngân vốn NSNN chỉ đạt 52,6%. Riêng vốn trái phiếu Chính phủ đạt 26,2%, vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 23,1%, khả năng giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2019 là khó khăn. Ngoài ra, tình trạng chuyển vốn còn lớn, cá biệt có tình trạng chuyển nguồn nhiều năm gây lãng phí, phần nào phản ánh sự cần thiết của mục chi này.
Đây là một trong những vấn đề tồn tại nhiều năm qua, song chúng ta vẫn chưa khắc phục được. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm nghiên cứu các nguyên nhân cụ thể để có giải pháp hữu hiệu hơn, kiên quyết hơn trong việc giải ngân và sử dụng nguồn vốn, nhất là đối với việc chuyển nguồn.
“Chính phủ cần phân tích cụ thể trong các giải pháp hiệu quả hơn, các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện nghiêm các quy định, nâng cao chất lượng điều hành ngân sách cả chi thường xuyên và chi đầu tư, hạn chế tối đa gây lãng phí nguồn lực tài chính, góp phần tiết kiệm ngân sách, tăng cường huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội”, đại biểu Hải phát biểu.
Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP. Hải Phòng) cho biết, năm 2019 tình trạng chậm giao vốn giao nhiều đợt và chậm điều chỉnh vốn đầu tư phát triển, trong đó có vốn ODA vẫn chưa có nhiều cải thiện, khiến nhiều dự án có ý nghĩa lớn đến phát triển kinh tế - xã hội chậm được triển khai bị dở dang, chuyển tiếp kéo dài. Với tình trạng này, một số dự án đầu tư vay vốn ODA đã gần hết thời hạn hiệp định vẫn không thể hoàn thành, gây ra rất nhiều hệ lụy. Việc bố trí vốn hàng năm chưa đảm bảo tương ứng với tổng vốn mức vốn đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua.
Các đại biểu cũng cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công đang rất chậm, đến nay mới đạt khoảng 49,1% kế hoạch Chính phủ giao. Trong đó, đáng chú ý là vốn trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 26,2%, vốn ODA chỉ đạt 23,1%, trong khi đây là nguồn vốn hết sức quan trọng để tạo ra kết cấu hạ tầng trọng điểm cũng như yếu tố cốt lõi để phát triển nền kinh tế trong khi chúng ta đã có những cơ chế khá hiệu quả để huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư tư nhân với rất nhiều dự án lớn, tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đã tăng lên 45,3%.
Với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt khoảng 33,8% GDP thì việc khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công thực sự trở thành một nút thắt, một sự tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng bền vững, dài hạn. Vì vậy các đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm, tháo gỡ, làm rõ những vấn đề này và tăng cường hỗ trợ hơn cho các địa phương.
Giải trình việc thu ngân sách chưa thực sự bền vững và thu 3 khu vực của nền kinh tế chưa đạt dự toán, thu chủ yếu từ tăng tài nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2016 thu vượt dự toán 9,2%; năm 2017 thu vượt 6,7%; năm 2018 thu vượt 8%; năm 2019 trong báo cáo Quốc hội dự kiến là vượt 3,3% nhưng Bộ Tài chính đang phấn đấu thu vượt khoảng 5% trở lên. Thu từ 3 khu vực kinh tế là: DN nhà nước, DN FDI và thu từ khu vực ngoài quốc doanh những năm gần đây chưa đạt dự toán. Về chủ quan, do muốn có thêm nguồn lực, thời gian qua đã dự toán thu các khu vực này ở mức cao nên kết quả không đạt. Khắc phục tình trạng này, trong năm 2018 - 2019, Bộ Tài chính đã từng bước thay đổi, điều chỉnh giảm dự toán để phù hợp với thực tế. Về nguyên nhân khách quan, nhiều lĩnh vực DN còn khó khăn, năng lực sản xuất chưa ổn định, đặc biệt là DN nhà nước khó tăng trưởng cao. |