Thu hút FDI đối diện nhiều xu thế mới
Vốn FDI toàn cầu đang trong giai đoạn tái định vị và chuyển hướng với nhiều xu thế mới. Tại Việt Nam, mục tiêu thu hút vốn FDI chất lượng cao, nắn dòng vốn vào các lĩnh vực tăng trưởng xanh, bền vững, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm đang trở nên khó khăn hơn. Theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng nhất trong thời điểm hiện tại là thay đổi chính sách FDI phù hợp và đón đầu các xu thế mới.
Cạnh tranh gay gắt
Mặc dù vậy khi xét trên bình diện chung, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) dự báo FDI toàn cầu năm 2023 tiếp tục suy giảm. Đó là bởi Chính phủ một số quốc gia phát triển chủ trương hạn chế đầu tư ra nước ngoài trong khi nhu cầu vốn đầu tư của các nước đang phát triển khu vực châu Á ngày càng tăng, khiến cuộc cạnh tranh thu hút FDI trở nên gay gắt hơn.
Đơn cử như Mỹ đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) từ 25% xuống 21%, cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, đưa ra các tiêu chuẩn linh hoạt hơn nhằm nâng cao tính cạnh tranh của một số ngành công nghiệp nội địa như năng lượng, ô tô, nhôm…; áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu. Mỹ còn thúc đẩy “mạng lưới kinh tế thịnh vượng” nhằm kết nối các quốc gia đồng minh trong một số chuỗi cung ứng bán dẫn, dịch vụ 5G.
Các nước EU cũng thúc đẩy “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài. Trong đó Đức, Italia kiểm soát chặt chẽ hơn đối với FDI trong các ngành quan trọng; Pháp triển khai chiến lược “sản xuất tại Pháp” nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và công nghệ số. Tại khu vực châu Á, Nhật Bản dành ngân sách hỗ trợ các DN của mình đưa nhà máy sản xuất từ Trung Quốc về nước hoặc sang nước thứ ba đối với một số ngành ưu tiên như thiết bị y tế, phụ tùng ô tô, điện tử, kim loại hiếm. Hàn Quốc thì ban hành luật thu hút các DN đã đầu tư ở nước ngoài quay về sản xuất, kinh doanh trong nước…
Đã xuất hiện một số tín hiệu rõ nét hơn sự chuyển dịch của vốn FDI sang lĩnh vực tăng trưởng xanh, kinh tế số |
Từ phía cạnh tranh thu hút FDI, một số nước lớn trong khu vực châu Á như Ấn Độ, Indonesia đã ban hành chính sách hấp dẫn đối với các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới. Mục tiêu của các quốc gia này là tiếp nhận dự án tăng trưởng xanh, công nghệ nguồn, năng lượng tái tạo, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe… để tận dụng có hiệu quả lợi thế về dân số đông, đội ngũ lao động có tay nghề cao nhưng tiền công thấp hơn nhiều nước.
Cần thay đổi để đón đầu cơ hội
Theo khảo sát năm 2022 của Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (Vafie), tại Việt Nam hơn 75% DN cho biết đã triển khai tự động hóa một phần hoặc toàn bộ công việc. 53,5% DN FDI cho biết có định hướng phát triển “nền kinh tế xanh”. Tuy nhiên, các hoạt động cụ thể chỉ giới hạn trong một số công việc đơn lẻ như xây dựng hệ thống xử lý nước thải, lò hơi đốt chất thải trong khu công nghiệp để sản xuất điện, tăng cường trồng cây xanh, vệ sinh phân loại rác hàng ngày…
Bên cạnh đó, cũng đã xuất hiện một số tín hiệu rõ nét hơn về sự chuyển dịch của vốn FDI sang lĩnh vực tăng trưởng xanh, kinh tế số. Đơn cử như First Solar, một trong ba tập đoàn năng lượng lớn nhất của Mỹ đã đầu tư dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng, vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Công ty Hayward Quartz Technology INC tại Thung lũng Silicon đầu tư 110 triệu USD vào khu công nghệ cao Đà Nẵng. Intel đã có nhà máy sản xuất chip tại TP.HCM, dự định mở rộng quy mô nhà máy để sản xuất chất bán dẫn, tăng vốn đầu tư gấp hai lần so với hiện nay. Trong chuyến viếng thăm Việt Nam gần đây, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Roh Tae Moon đã công bố tập đoàn này sẽ đầu tư thêm tại Việt Nam 3,3 tỷ USD trong năm nay, đồng thời chuẩn bị điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại Nhà máy ở Thái Nguyên.
GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Vafie cho hay, 68,5% DN FDI đánh giá Việt Nam thuận lợi hơn về địa điểm đầu tư so với những quốc gia khác mà DN cân nhắc đầu tư; đặc biệt trong các vấn đề chi phí và chất lượng lao động, thuế và khả năng ứng phó của Chính phủ đối với các tình thế khẩn cấp. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn cho rằng vấn đề tham nhũng và hệ thống thủ tục hành chính, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam không bằng quốc gia xuất xứ. Các điểm nghẽn khác là thủ tục tuân thủ thuế và thủ tục phá sản DN.
Ông Mại nhận định, các diễn biến nhiều chiều cho thấy Việt Nam đang đối diện cả cơ hội và thách thức để thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực tăng trưởng xanh, kinh tế số. Nếu không tìm cách vượt qua thách thức thì không thể tận dụng cơ hội. Trong đó, thách thức lớn nhất là chúng ta chuyển sang thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới nhưng thể chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn chỉnh; thực thi thể chế chưa nghiêm, các ưu đãi chưa thiết thực... rất khó giữ chân các tập đoàn lớn, công nghệ cao.
Nút thắt tiếp theo là về công nghệ. Theo đó Việt Nam coi trọng công nghệ, có thành tựu về nghiên cứu phát triển và đã thành lập trung tâm phát triển, nhưng sự phát triển của công nghệ hiện tại vẫn chưa đủ để đáp ứng chuyển sang kinh tế số. Cuối cùng là hạ tầng của Việt Nam đã phát triển khá hiện đại, nhưng chưa có đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, đường thủy chưa phát triển, cảng biển chưa thành hệ thống logistics hiện đại; đối với hạ tầng mềm, công nghệ số đòi hỏi dịch vụ số, dữ liệu mở, Big data... nhưng các lĩnh vực này chưa phát triển mạnh.
Để gia tăng sức cạnh tranh trong thu hút FDI thế hệ mới, các chuyên gia khuyến nghị, các bộ, ngành cần rà soát quy định hiện hành để sửa đổi, bổ sung những nội dung có liên quan đến tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trong quá trình hoàn thiện thể chế, luật pháp, với chính sách khuyến khích phát triển các mô hình đa dạng. Cần xác định vai trò trung tâm của DN, tạo điều kiện để tiếp nhận các dự án đầu tư mới, chuyển đổi DN hiện hữu sang kinh tế tuần hoàn với chính sách ưu đãi về các loại thuế, tài trợ của nhà nước, tín dụng ưu đãi lãi suất thấp, nhất là đối với DN nhỏ và vừa để tạo điều kiện vốn, công nghệ, nhân lực khi thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Một số giải pháp cụ thể hơn là xây dựng kế hoạch triển khai Chính phủ số giai đoạn 2021- 2025 để đổi mới toàn diện phương thức quản lý nhà nước trong quá trình cung cấp dịch vụ cho DN; triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ Chính phủ số tại bộ, ngành, địa phương; phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ, chuyên ngành trong triển khai Chính phủ số gắn kết với phát triển đô thị thông minh tại các bộ, ngành, địa phương.