Thu hút FDI sẽ gặp nhiều thách thức
FDI “đợi” hành động chính sách quyết liệt hơn Giữ chân doanh nghiệp khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu Tăng trưởng xanh gặp thách thức khi doanh nghiệp FDI đang dùng công nghệ lạc hậu |
Ông Victor Ngo Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết, trong những năm gần đây, nhờ chính trị ổn định, nhân khẩu học thuận lợi, triển vọng kinh tế tích cực và môi trường kinh doanh hiệu quả, Việt Nam đã được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và sự bùng phát của dịch Covid-19.
Khu vực FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức cao nhất trong 5 năm (2017 – 2022). DN FDI chiếm khoảng 70% hoạt động thương mại của cả nước, dẫn đến tổng kim ngạch thương mại đạt mức cao kỷ lục là 733 tỷ USD vào năm 2022. Các doanh nghiệp FDI không chỉ tạo ra hơn 5,1 triệu cơ hội việc làm mà nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua hệ thống đào tạo tiên tiến, chuyển giao quy trình kỹ thuật, bí quyết công nghệ và kinh nghiệm quản lý.
“Việt Nam nổi lên như một điểm sáng trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu nhờ vào sự đóng góp đáng kể của cả nền kinh tế trong nước lẫn FDI. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 là 8,02% (2021: 2,58%), cao nhất kể từ năm 1997, mặc dù lạm phát chỉ ở mức 3,15%”, ông Victo Ngo cho hay.
Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội thu hút FDI nhờ nền tảng chính trị ổn định |
Tuy nhiên trong tương lai gần, cơ hội thu hút FDI của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức. Như căng thẳng địa chính trị kéo dài có thể khiến các tập đoàn và nhà hoạch định chính sách xem xét các chiến lược củng cố chuỗi cung ứng bằng cách chuyển sản xuất về gần quê nhà hoặc đến các quốc gia đáng tin cậy. Điều này sẽ dẫn đến xu hướng phân mảnh địa chính kinh tế ngày càng mở rộng, khiến các nước gia tăng cạnh tranh để thu hút dòng vốn FDI từ khắp nơi trên thế giới.
Bên cạnh đó, chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) bắt đầu từ năm 2024, sẽ đặt ra thách thức đáng kể cho các thị trường mới nổi như Việt Nam, nơi ưu đãi thuế là một trong những điểm hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Hoạt động thu hút vốn FDI những tháng đầu năm cũng cho thấy nhiều khó khăn, thách thức. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tính đến ngày 20/4/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt gần 8,88 tỷ USD, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, có 750 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 65,2% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,1 tỷ USD (tăng 11,1% so với cùng kỳ); Có 386 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 19,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 1,66 tỷ USD (giảm 68,6% so với cùng kỳ, tăng 1,7 điểm phần trăm so với 3 tháng và tăng 16,5 điểm phần trăm so với 2 tháng đầu năm); Có 1.044 giao dịch GVMCP của nhà nhà đầu tư nước ngoài (tăng 1,8% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,1 tỷ USD (tăng 70,4% so với cùng kỳ).
Khó khăn là thế, song Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội thu hút FDI nhờ nền tảng chính trị ổn định, gần với Trung Quốc, triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ kết hợp với môi trường kinh doanh thuận lợi; Việt Nam cũng là một trong những điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất châu Á, với hình ảnh là một quốc gia có tầm nhìn rõ ràng và nỗ lực hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ từ Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow (COP26).
Theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), cạnh tranh giữa các nước đang phát triển trong thu hút đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra quyết liệt, đặc biệt trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài được dự báo giảm trong năm 2023, trong khi nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau Covid-19 tăng cao.
Bối cảnh đó tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, đồng thời tạo áp lực thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới; từ đó, mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển. Và để thu hút FDI lớn hơn, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, chất lượng lực lượng lao động và các khung pháp lý phù hợp để ứng phó với GMT một cách hiệu quả.
“Gần đây, khi chúng tôi gặp gỡ và thảo luận với các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả các nhà đầu tư Mỹ, châu Âu, hay Nhật Bản, Hàn Quốc… họ đều bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế, vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Việt Nam đã và vẫn luôn là điểm đến an toàn và hấp dẫn”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết.