Thu hút, giữ chân các nhà đầu tư lớn trong lâu dài
Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh PCI 2023: Cần cải cách thực chất hơn môi trường đầu tư, kinh doanh |
Chỉ vài ngày trước, Tập đoàn The Trump Organization (Hoa Kỳ) đã đến tỉnh Hưng Yên để tìm kiếm cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực khách sạn, sân golf và tổ hợp giải trí. Cùng tầm nhin như The Trump Organization, ông Daniel Rosen, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Rosen Partner LLC khẳng định, Việt Nam là một thị trường đầu tư rất tiềm năng và đang có những cơ hội tuyệt vời. Do đó, tập đoàn này đã thể hiện mong muốn phát triển dự án công viên giải trí theo mô hình Disneyland tại các khu vực Gia Lâm và Long Biên (Hà Nội). Nhiều tập đoàn, công ty lớn khác trên toàn cầu cũng đang lên các kế hoạch đầu tư lớn vào Việt Nam như SpaceX, Marvell, Amkor, Lam Research, Google, Apple...
Không chỉ đầu tư mới, các nhà đầu tư lớn còn tăng cường "rót" vốn vào Việt Nam. Tới đây, một khoản đầu tư trị giá 1,8 tỷ USD sẽ được Samsung Display đầu tư bổ sung vào Bắc Ninh. Chia sẻ lý do quyết định đầu tư thêm vào Việt Nam khoảng 100 triệu USD, ông Jason Lo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Johnson cho biết, tại đây đang có sẵn nguồn nhân lực, vị trí đắc địa và môi trường đầu tư, kinh doanh rất tốt tại địa phương nơi tập đoàn đặt nhà máy; chính quyền địa phương luôn sẵn sàng hỗ trợ rất kịp thời.
Bên cạnh nền tảng kinh tế tăng trưởng khả quan, ổn định chính trị, chính sách đón đầu đang được các nhà đầu tư đánh giá tốt, GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài (VAFIE) còn khẳng định, chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực trọng yếu như bán dẫn, công nghệ tương lai… của chúng ta đang có những bước đi đúng. Với thị trường 100 triệu dân, lực lượng lao động dồi dào với 57 - 59% người trong độ tuổi lao động và đang được bổ sung với trình độ rất tốt, Việt Nam có điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao hơn.
Để đón "đại bàng", chính quyền nhiều địa phương đang nỗ lực cải cách thể chế để gia tăng năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Lấy ví dụ về Bắc Ninh - nơi có lượng đầu tư vốn FDI dẫn đầu cả nước trong 8 tháng đầu năm 2024, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, địa phương này đã có nhiều chính sách hiệu quả như xây dựng "Tổ phản ứng nhanh 3 nhất", mô hình "Bác sĩ doanh nghiệp"... để chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư lớn trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng và khó đoán định, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, nước ta phải có những chính sách ưu đãi và đột phá hơn nữa để có thể thu hút đại bàng công nghệ cao đến Việt Nam làm tổ, trong đó cần tập trung cho thu hút “đại bàng” FDI công nghệ cao; cần nhận diện rõ xu hướng và yêu cầu mới, đặc biệt là công nghệ, chuyển đổi xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đặt ra và cần nghiên cứu các chính sách của các quốc gia trên thế giới về thu hút FDI công nghệ cao và phát triển các ngành công nghệ mới, trong đó có công nghệ bán dẫn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt cũng cần chuẩn bị để tham gia vào chuỗi cung ứng có liên quan đến các ngành công nghệ cao, tùy vào năng lực để tham gia ở mức độ phù hợp. Đồng thời, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, giải phóng tiềm năng, đảm bảo sự minh bạch và thuận lợi của môi trường đầu tư.
Trong một hội nghị gần đây, ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham khẳng định, bằng cách hợp tác để giải quyết các rào cản hành chính và quy định, môi trường kinh doanh hiệu quả và hấp dẫn hơn, chắc chắn dòng vốn ngoạisẽ đổ vào, nền kinh tế Việt Nam sẽ được “tăng lực” để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.