Thu hút nguồn lực hỗ trợ mục tiêu phát triển xanh và bền vững
Ảnh minh họa. |
Huy động mọi nguồn lực để phát triển xanh
Để hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), việc đánh giá, xem xét khả năng huy động nguồn lực cho phát triển xanh, phát triển bền vững cũng như nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cơ chế phối hợp, triển khai phù hợp với tình hình, xu hướng mới là rất quan trọng.
Chia sẻ tại Hội nghị Thu hút nguồn lực hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững diễn ra ngày 16/8, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết chính sách huy động nguồn lực thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26 được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành, nguồn xã hội hóa, nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.
Nguồn lực cho phát triển xanh và bền vững còn được huy động qua sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, các quỹ và các định chế tài chính trong và ngoài nước; khuyến khích đầu tư từ khu vực tư nhân vào các dự án phát triển các-bon thấp; thúc đẩy phát triển thị trường các-bon trong nước nhằm tăng thêm nguồn đầu tư cho phát triển các-bon thấp.
Một trong số nguồn lực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh phải kể đến tín dụng xanh từ các tổ chức tín dụng. Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà khẳng định, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm đến tăng trưởng xanh, trong đó chú trọng tín dụng xanh. NHNN đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung cấp tín dụng cho các dự án xanh.
Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cũng đã quan tâm với nhiều hướng dẫn nội bộ, tổ chức thực tế nhiều hoạt động cấp tín dụng cho các dự án thuộc lĩnh vực xanh như nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo... Qua theo dõi, 12 lĩnh vực về tín dụng xanh của các tổ chức tín dụng đều có sự tăng trưởng nhanh và cao hơn mức bình quân của toàn Ngành, trong đó tín dụng cho lĩnh vực năng lượng tái tạo chiếm 47% tổng tín dụng xanh...
Phân tích kỹ hơn về quá trình đưa tín dụng xanh đến với các dự án vì mục tiêu tăng trưởng bền vững, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN đã định hướng phát triển ngân hàng xanh bằng Quyết định số 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định 1604/QĐ-NHNN về Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; xây dựng kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng. Đồng thời, ban hành các văn bản hướng dẫn về cấp tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội; triển khai chính sách tín dụng ưu đãi cho một số lĩnh vực xanh; xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại góp phần vào tăng trưởng xanh; tích cực đàm phán nhằm huy động nguồn lực từ các tổ chức tài chính quốc tế, tài trợ song phương và đa phương, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong nước có thêm nguồn lực tài trợ tín dụng cho các dự án xanh
Tính đến 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%). Nhờ đó, Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính - ngân hàng hướng tới phát triển bền vững...
Các diễn giả thảo luận tại Hội nghị. |
Nhanh chóng bổ sung nguồn lực tài chính
Tuy nhiên, bà Michele Wee, Trưởng Nhóm công tác Ngân hàng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong đầu tư. Trong khi đó, việc phát hiện và tiếp cận các nguồn tài trợ biến đổi khí hậu mới cũng như lồng ghép vấn đề môi trường và khí hậu vào các chiến lược tài chính doanh nghiệp vẫn còn là các thách thức lớn đối với các chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức đang tìm kiếm cách thức thực hiện các chiến lược, các kế hoạch và các dự án các-bon thấp.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Muthukumara Mani, Trưởng Nhóm Kinh tế - Môi trường và Biến đổi khí hậu Khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ ra rằng trong số 85 tổ chức tín dụng thì có đến 72 tổ chức không có đơn vị kinh doanh chuyên trách về tài chính xanh và 74 tổ chức thiếu quy trình cụ thể về thẩm định tín dụng xanh; các tổ chức tín dụng khác thì gặp phải những thách thức lớn trong quá trình phát triển chuyên môn về tài chính xanh và tích hợp quy trình tài chính xanh vào các hoạt động hiện tại...
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ ra rằng nhu cầu vốn để thực hiện các mục tiêu phát triển xanh và phát triển bền vững từ nay đến năm 2030 của Việt Nam vào khoảng 360 tỷ USD, với nguồn vốn từ khu vực tư nhân chiếm 50%. Để thực hiện được mục tiêu thu hút các nguồn lực, cần tập trung 4 nhóm giải pháp: xây dựng chính sách; nâng cao tiếp cận tài chính xanh; xây dựng thể chế đầu tư bền vững; nâng cao tính minh bạch trong thực hiện tài chính xanh.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết nhu cầu tín dụng cho các dự án xanh vì mục tiêu phát triển bền vững là rất lớn nên ngành Ngân hàng rất cần huy động nguồn lực từ bên ngoài. Sự đồng hành, chia sẻ của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, các ngân hàng nước ngoài không chỉ ở góc độ tư vấn chính sách, chia sẻ kinh nghiệm đối với cơ quan quản lý nhà nước, mà còn ở việc hỗ trợ nguồn lực tài chính, vốn trực tiếp cho các chủ đầu tư dự án xanh, phát triển bền vững.
Do đó, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà mong muốn các tổ chức quốc tế, định chế tài chính, các ngân hàng nước ngoài sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, ngành Ngân hàng để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án xanh, chuyển đổi xanh tiếp cận được đầy đủ nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là các nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài do chính các ngân hàng nước ngoài đang hiện diện tại Việt Nam thực hiện.
Ngoài ra, ông Muthukumara Mani đề xuất cần có các sáng kiến và cải tiến để tăng dòng tài chính xanh, bao gồm hướng dẫn rõ ràng về định nghĩa xanh, tiêu chí đánh giá và tiêu chuẩn báo cáo; cơ chế giám sát tài chính xanh đóng vai trò quan trọng, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý thực thi chính sách và tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các tổ chức tín dụng; Chính phủ cung cấp nguồn vốn dài hạn để bổ sung nguồn tài chính của các ngân hàng dành cho các dự án xanh...