Thu hút phát triển nông nghiệp xanh tạo chuỗi sản xuất bền vững
Ngày 30/7/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, Diễn đàn “Thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp xanh 2024” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức đã đưa ra bức tranh toàn diện về nền nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, diễn đàn đưa ra giải pháp, kiến giải để tháo gỡ các “điểm nghẽn” còn tồn tại nhằm tạo “cú hích mạnh” cho đầu tư phát triển nông nghiệp xanh, đóng góp cú hích tạo chuỗi sản xuất cung ứng ngành nông nghiệp hiệu quả, bền vững…
Các chuyên gia tại Diễn đàn nhận định, hiện nay, trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế toàn cầu, tăng trưởng xanh nói chung, nông nghiệp xanh nói riêng đã dần trở thành xu hướng phát triển chủ đạo. Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển nông nghiệp xanh đã được ban hành.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 150/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chung của Chiến lược là hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Thực thi Chiến lược đã tạo cơ chế, hành lang pháp lý khuyến khích hỗ trợ, tạo động lực cho doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; cũng như thúc đẩy phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp để tăng giá trị chuỗi, từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Có thể nói, các giải pháp sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và bền vững xuyên suốt quy trình sản xuất đã và đang hướng đến quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh toàn diện, bao trùm, sinh thái theo xu hướng thị trường thế giới, thực hiện mục tiêu giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và từng bước khẳng định diện mạo mới của đầu tư phát triển nông nghiệp xanh trên kỷ nguyên kinh tế xanh, thực hành ESG, bền vững.
Một số doanh nghiệp nêu kiến nghị, đề xuất những giải pháp phát triển nông nghiệp xanh, trong đó đề xuất một số giải pháp cụ thể như để có nguồn vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh, ngành nông nghiệp cần chú trọng huy động các nguồn lực xã hội, nhất là từ doanh nghiệp cho thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh. Tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi nông sản toàn cầu. Cần đổi mới tư duy, nhận thức, chủ động thúc đẩy kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh…
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và các địa phương cần tạo đột phá mới bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành, lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường… Tận dụng tối đa ưu thế tự nhiên của các vùng miền cho phát triển nông nghiệp, bảo đảm sự tương tác với môi trường sinh thái; Cần có chính sách tín dụng vốn đầu tư phù hợp với các hộ gia đình để họ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Các thủ tục phải đơn giản, thuận tiện, cơ chế cho vay và thu nợ theo thời vụ của cây trồng, vật nuôi giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Về khoa học, công nghệ, cần tập trung nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho dân thông qua mạng lưới khuyến nông, giúp dân chủ động trong sản xuất dựa trên những kiến thức của bản thân; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất. Song song, các địa phương cần tạo dựng những vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, được chuẩn hóa với những quy trình canh tác chặt chẽ; đồng thời chuyển đổi số để khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Cần có chính sách về bảo hiểm cho nông nghiệp để giảm rủi ro đầu tư. Các địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực vừa ứng dụng công nghệ thông minh tiên tiến đưa vào phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, xanh hóa, tăng chất lượng, sản lượng và hàm lượng, giảm khí phát thải…
Đồng thời, kiến nghị cơ chế nhằm thúc đẩy liên kết, kết hợp với các bên hữu quan và liên quan không chỉ trong tạo chuỗi mà còn để mở rộng, tăng hiệu suất cho dòng vốn đầu tư nhờ khai thác nông nghiệp xanh ở các sản phẩm chéo như khai thác dịch vụ từ mô hình sinh thái, nhân rộng sản phẩm OCOP trong phục vụ du lịch, làm thương hiệu nông xanh trong mọi khâu canh tác, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu…