Thu hút vốn FDI: Nhiều địa phương "hụt hơi"
Thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư Thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Tháo gỡ rào cản để tiến xa hơn |
Cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đồng bộ là yếu tố thu hút và giữ chân nhà đầu tư lâu dài |
Nơi bứt tốc, chỗ hụt hơi
Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thu hút vốn FDI trong quý I/2024 của tỉnh đạt 347,13 triệu USD, tăng 98,59% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt tới 86,8% kế hoạch năm; trong đó nghi nhận tăng trưởng về vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh, với mức tăng lần lượt là 110% và 91,81%. Kết quả này có được nhờ vào việc Vĩnh Phúc tạo ra các lợi thế cạnh tranh về hạ tầng cơ sở trong thu hút đầu tư, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh không ngừng phát triển; hạ tầng giao thông được đầu tư, xây dựng với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh phía Bắc, khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Tương tự, tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch... từ sớm; hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước, đường giao thông nội bộ cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện đấu nối đồng bộ. Kết thúc quý I/2024, Quảng Ninh đã thu hút được gần 700 triệu USD tổng vốn đầu tư FDI. Trong đó, đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 3 dự án.
Ngược lại, tại một số tỉnh, thành việc thu hút đầu tư nước ngoài đang có chiều hướng giảm. Mới đây, theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Dương, quý I/2024, thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh giảm, chỉ bằng 36% so với cùng kỳ. Một phần nguyên nhân là do không còn quỹ đất thu hút các nhà đầu tư mới, đặc biệt là các nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng diện tích đất lớn. Việc tiếp cận nhu cầu của nhà đầu tư, hỗ trợ thủ tục, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp vẫn chưa mang lại hiệu quả tích cực. Bình Dương đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý để kịp thời tiến độ đầu tư các khu công nghiệp VSIP III giai đoạn 2, Rạch Bắp mở rộng, Tân Bình, Đất Cuốc mở rộng; đồng thời, tỉnh đang nghiên cứu đầu tư khu công nghiệp chuyên ngành cơ khí (khoảng 800 ha), phục vụ thu hút các ngành cơ khí ô tô và tạo tiền đề phát triển công nghiệp công nghệ cao, tự động hóa…
Cơ sở hạ tầng là yếu tố cạnh tranh
Thực tế trên cho thấy, thu hút đầu tư FDI tại Việt Nam đang có sự phân hóa rõ rệt khi các tỉnh có quỹ đất lớn, có lợi thế về hạ tầng đã bứt tốc, còn các địa phương hết quỹ đất công nghiệp đang hụt hơi.
Dù hiểu cơ sở hạ tầng đang là yếu tố cạnh tranh để thu hút vốn FDI nhưng một số địa phươg cũng đành bất lực vì nguồn kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp rất lớn, trong khi nguồn ngân sách còn hạn chế. Nhiều nơi đã liên tục kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư nhưng chưa đạt được kết quả cao; khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế hỗ trợ giải phóng mặt bằng của dự án; cơ chế chính sách phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng, cấp phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường… còn nhiều hạn chế.
Để lắng nghe ý kiến từ các nhà đầu tư và đưa ra giải pháp hợp lý, một số địa phương đã tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp. Đáng mừng là sau những buổi đối thoại, lãnh đạo địa phương đã có ngay nhiều giải pháp cho doanh nghiệp. Mới đây, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch tổng thể, mạng lưới các cụm công nghiệp cũ, điều chỉnh về quy hoạch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng đất đạt hiệu quả cao nhất. Các cấp, ngành cùng UBND thành phố hướng tới một cửa liên thông, minh bạch để các nhà đầu tư hiểu rõ quy trình hoàn tất thủ tục. Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã để hoàn thiện phương án phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố; tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên môi trường, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam rất quan tâm đến lĩnh vực hạ tầng và đất đai. Vì thế, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng quy mô lớn đang làm. Luật Đất đai được Quốc hội thông qua đầu 2024, với nhiều điểm tháo gỡ, thúc đẩy thu hút đầu tư trong lĩnh vực đất đai nên các văn bản hướng dẫn thi hành luật này cần sớm ban hành để áp dụng ngay trong những ngày đầu Luật Đất đai có hiệu lực, đáp ứng mong chờ của nhà đầu tư. Điều quan trọng hơn nữa cần nghiên cứu, ban hành các chính sách mang tính khích lệ, động viên, cũng như tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư có quy mô lớn để thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, để nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút và giữa chân các nhà đầu tư, theo các chuyên gia, trước mắt các cơ quan liên quan cần tiếp tục đôn đốc chỉ đạo khởi công các cụm công nghiệp đã được phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng đưa các cụm công nghiệp mới vào hoạt động. Còn về dài hạn cần có có quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp mang tính chiến lược và dài hạn; Bộ Xây dựng cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện để được cấp Giấy phép xây dựng tại các cụm công nghiệp đảm bảo tính thống nhất; cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình thực hiện và các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển khu, cụm công nghiệp cho các nhà đầu tư…