Thu ngoài lãi của ngân hàng tích cực
Chẳng hạn như tại VietinBank, nguồn thu ngoài lãi được đẩy mạnh như kinh doanh ngoại hối tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.514 tỷ đồng; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 5,6%, đạt 3.218 tỷ đồng; mua bán chứng khoán lãi 639 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 93 tỷ đồng; lãi từ hoạt động kinh doanh khác tăng 91%... Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2020, thu ngoài lãi của VietinBank chiếm tỷ trọng hơn 21% trong tổng thu nhập hoạt động. BIDV cũng ghi nhận kết quả tích cực khi lãi thuần từ dịch vụ đạt gần 3.667 tỷ đồng; bên cạnh đó hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 1.254 tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ 2019.
Ảnh minh họa |
Thu nhập ngoài lãi cũng là điểm nhấn trong bức tranh hoạt động của các NHTMCP. Đơn cử lãi thuần từ hoạt động dịch vụ 9 tháng đầu năm của HDBank tăng 71,9%. Hay như LienVietPostBank, lãi thuần từ mảng dịch vụ đạt 357 tỷ đồng, tăng trưởng 79%; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt hơn 64 tỷ đồng, tăng 36,2%. Tại Nam A Bank, thu thuần từ dịch vụ cũng tăng tới 38% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ, đạt 26,149 tỷ đồng…
Một chuyên gia ngân hàng cho biết, xu hướng dịch chuyển nguồn thu từ hoạt động tín dụng sang các hoạt động phi tín dụng ngày một rõ ràng hơn trong các ngân hàng. Không thể phủ nhận, trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm chạm vì dịch Covid-19, càng thấy tầm quan trọng của các mảng phi tín dụng. Rõ ràng việc đẩy mạnh thu từ các hoạt động ngoài lãi sẽ giảm bớt áp lực tăng trưởng tín dụng của các nhà băng, nhất là trong bối cảnh rủi ro nợ xấu đang rất lớn vì dịch bệnh.
Quan trọng hơn, tăng thu từ dịch vụ nằm trong chiến lược kinh doanh của các ngân hàng để giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng, giảm thiểu rủi ro, gia tăng lợi nhuận bền vững theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2016 - 2020. Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng tới năm 2025, định hướng năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ trọng thu nhập từ phí dịch vụ đạt khoảng 12 - 13% và đến cuối năm 2025 tăng lên mức 16 - 17%.
Tuy nhiên để tăng dần tỷ lệ thu nhập từ phí dịch vụ, chuyên gia khẳng định chắc chắn sản phẩm dịch vụ ngân hàng phải cải tiến, nâng cấp, ngày càng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, thì mới kỳ vọng có lãi từ hoạt động này. Điều này gắn với tiến trình số hoá sản phẩm dịch vụ, số hoá quy trình hoạt động trong chiến lược ngân hàng số của các nhà băng. Chỉ lấy đơn cử như trường hợp Techcombank, năm 2019 nhà băng này đã có thêm tới 1,1 triệu khách hàng mới, trong đó tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử e-banking tăng từ 56% lên 76%; khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh di động lần lượt đạt 172 triệu giao dịch và 2,6 triệu tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước đó, cho thấy rõ ràng khách hàng ngày càng “chuộng” các giải pháp giao dịch điện tử của ngân hàng.
Bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank chia sẻ, các ngân hàng cần tận dụng tối đa các thành tựu của công nghệ và phải luôn xác định khách hàng làm trọng tâm là kim chỉ nam trong việc nghiên cứu phát triển và cung ứng dịch vụ cho khách hàng trong thời đại công nghệ số. Một số nền tảng công nghệ hiện đại được nhiều ngân hàng khai thác hiện nay như trợ lý ảo - Chatbot áp dụng trí tuệ nhân tạo AI hỗ trợ người dùng đưa ra yêu cầu giao dịch thông qua việc nhận diện giọng nói hoặc nhập từ khoá trên ứng dụng; tận dụng Big Data thu thập dư liệu người dùng, phân tích hành vi khách hàng, chủ động marketing, tư vấn sản phẩm phù hợp; công nghệ Scan ứng dụng eKYC cho phép khách hàng đăng ký dịch vụ, mở tài khoản trực tuyến… Tất cả những động thái này đều nhằm mục đích tối ưu hoá trải nghiệm khách hàng, thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ sản phẩm của ngân hàng nhiều hơn, nguồn thu từ đó cũng được gia tăng.
Chuyên gia cũng nêu quan điểm, tăng quy mô thu nhập từ dịch vụ của các ngân hàng đầu tiên phải xuất phát từ việc nâng cấp hệ thống CNTT sẵn có, phát triển thêm các ứng dụng mới, tăng cường phòng ngừa rủi ro… Từ đó thì mới hỗ trợ cho nguồn thu từ các dịch vụ truyền thống như kinh doanh ngoại tệ, thẻ tín dụng, tài trợ thương mại...