Thu phí giao dịch, chứng khoán phái sinh giảm
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), sau khi mã VN30F1711 đáo hạn ngày 16/11/2017, HNX đã niêm yết bổ sung sản phẩm thay thế là VN30F1801. Tại thời điểm cuối tháng 11, có 4 mã hợp đồng tương lai được giao dịch là VN30F1712, VN30F1801, VN30F1803 và VN30F1806.
Trong tháng, do chỉ số thị trường cơ sở tăng, nên giá các hợp đồng tương lai cũng tăng theo. Các hợp đồng tương lai kỳ hạn ngắn tiếp tục giao dịch ở mức thấp hơn chỉ số VN30, thanh khoản tập trung vào hợp đồng kỳ hạn ngắn. Tổng số hợp đồng giao dịch trong tháng là 320.064, tương ứng giá trị giao dịch (theo quy mô danh nghĩa hợp đồng) đạt 28.484 tỷ đồng, tăng lần lượt 34,29% và 47,05% so với tháng trước về số lượng và giá trị.
“Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 14.548 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch theo quy mô danh nghĩa đạt 1.294,73 tỷ đồng/phiên, tăng lần lượt 64,26% và 70,97% so với tháng trước. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 2/11 có 22.420 hợp đồng, khối lượng giao dịch cao nhất từ khi khai trương thị trường đến nay, tương ứng giá trị giao dịch 1.875,69 tỷ đồng”, HNX cho biết.
Tổng hợp giá trị giao dịch và khối lượng giao dịch TTCK phái sinh |
Tính đến cuối ngày 30/11/2017, khối lượng OI của toàn thị trường đạt 8.122 hợp đồng, tăng gấp đôi so với cuối tháng 10. Việc duy trì tăng trưởng khối lượng OI thể hiện dòng tiền tiếp tục xu hướng đổ vào thị trường phái sinh (TTPS).
Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh được mở tiếp tục tăng 23% so với tháng trước, đạt 14.034 tài khoản. Hoạt động giao dịch tập trung chủ yếu ở các NĐT cá nhân trong nước (97,7%). Sự tham gia của NĐT tổ chức trong nước cũng còn ít, chỉ chiếm khoảng 0,24% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Hoạt động tự doanh của các CTCK giảm so với tháng 10, chiếm 1,86% khối lượng giao dịch. Trong khi đó, khối lượng giao dịch của NĐT nước ngoài trong tháng 11 tăng gấp gần 5 lần so với tháng 10, đạt 1.229 hợp đồng.
Đánh giá về kết quả của thị trường, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, bản chất TTPS cũng là kênh đầu tư cho NĐT bên cạnh TTCK cơ sở. Sở dĩ thị trường này chưa phát triển mạnh là vì còn mới và không dành cho số đông NĐT. Thị trường này đòi hỏi NĐT phải thực sự chuyên nghiệp, phải theo dõi sát thị trường vì có tỷ lệ cho vay ký quỹ rất cao.
Về việc thị trường chủ yếu chỉ thu hút các NĐT cá nhân mà ít NĐT tổ chức, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, nguyên do là quy mô thị trường này chưa đủ lớn, thanh khoản còn nhỏ. Không chỉ vậy, mà vốn hóa của các cổ phiếu tham gia cũng thấp, lại mới chỉ có vài chục mã nên rất khó để thu hút được nhiều NĐT tổ chức.
Các chuyên gia cho rằng, hoạt động tự doanh của các CTCK sụt giảm liên quan đến quản trị rủi ro của các đơn vị này. Hiện tại đã ở thời điểm cuối năm nên sau khi đã chốt lời, nhiều công ty đang phải nghe ngóng vì giá cổ phiếu vẫn đang ở vùng giá cao và đây không phải thời điểm thuận lợi để mua vào.
“Đây là chuyện bình thường trong hoạt động mua bán trên TTCK nói chung và TTCK phái sinh nói riêng”, một chuyên gia nói và cho biết, giao dịch của NĐT nước ngoài dù có tăng gấp 5 lần, cũng không phản ánh được gì nhiều với thị trường có quy mô còn rất nhỏ. Ông cũng cho rằng, NĐT nước ngoài có thể tham gia nhiều hơn là do họ chuyên nghiệp hơn và có dòng vốn tốt hơn.
Bàn về việc áp dụng thu phí giao dịch từ cuối tháng 11 và thị trường có dấu hiệu giảm sút, một chuyên gia cho biết, NĐT phải cân nhắc giữa lợi nhuận thu được với các chi phí bỏ ra.
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, nhìn vào tương lai thì TTCK phái sinh có tiềm năng rất lớn. Phái sinh có liên quan đến quản trị rủi ro và liên quan đến nhiều sản phẩm đầu tư khác. Nó là kênh đầu tư mạo hiểm hơn TTCK cơ sở vì tỷ lệ cho vay ký quỹ rất cao nên sẽ có phân khúc khách hàng riêng.
Do vậy, để tạo thuận lợi hơn cho CTCK và NĐT tham gia thị trường, nhà tạo lập cần đa dạng hoá sản phẩm và có nhiều chính sách khuyến khích NĐT hơn nữa. Bên cạnh việc tiếp tục đưa ra sản phẩm mới, tăng dung lượng cho thị trường, các CTCK cũng cần có những chính sách hỗ trợ để khuyến khích NĐT giao dịch, để tạo thanh khoản và thị trường phát triển nhanh hơn.