Thủ tục gia nhập thị trường: Còn nhiều dư địa để cải cách
Trong thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều cải cách chính sách liên quan đến thủ tục gia nhập thị trường (bao gồm thủ tục khởi sự kinh doanh và các điều kiện, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa thuộc nhóm cao trên thế giới và kể cả trong khu vực.
Thảo luận tại hội thảo "Quy định về gia nhập thị trường - Hiện trạng và kiến nghị”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP.HCM tổ chức ngày 21/4, các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp để cải thiện vấn đề này.
Quy trình “một cửa nhiều khóa”
Đại diện cho nhóm khảo sát của VCCI, ông Đinh Tuấn Minh - Giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội đánh giá, trong các lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính thì khởi sự kinh doanh là một trong những vấn đề tốt nhất. Khi xuống các tỉnh triển khai hoạt động đánh giá năng lực cạnh tranh thì các tỉnh dẫn đầu như Quảng Ninh, hay các tỉnh có triển vọng tốt như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bến Tre, Trà Vinh... đều ghi nhận khởi sự kinh doanh là một trong những lĩnh vực có chuyển biến tốt nhất.
Tuy vậy khi so sánh rộng hơn với thế giới thì thấy thứ hạng của Việt Nam về chỉ số khởi sự kinh doanh vẫn nằm ở nhóm thấp, kể cả khi so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan... Ông Minh nhận định, có thể các quy định của pháp luật đã được cải thiện, nhưng còn vướng mắc trong triển khai thực tế dẫn tới tình trạng này. Vì vậy cách tiếp cận của nhóm khảo sát VCCI đã tiến hành so sánh về quy định pháp lý và triển khai thực tiễn của Việt Nam so với 2 quốc gia là Singapore và Thái Lan.
Doanh nghiệp mong muốn giảm bớt đơn vị đầu mối về đăng ký kinh doanh |
Khảo sát thực tế cho thấy, hoạt động đăng ký kinh doanh tại Việt Nam hiện nay phải qua 6 đơn vị đầu mối gồm phòng đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế… và hầu hết các công đoạn đều thực hiện thủ công. Ngoại trừ nộp hồ sơ trực tuyến lần đầu thì sau đó, các công đoạn như trả lại kết quả, làm con dấu, mở tài khoản ngân hàng, đăng ký thông tin để nộp thuế… đều làm thủ công chứ không thể thực hiện một mạch bằng hình thức trực tuyến.
Sau khi có những cải cách về quy định từ Luật Doanh nghiệp 2020 thì so với trước, quy trình hiện nay đã giảm một nửa, số đơn vị phải tương tác trực tiếp chỉ còn 4 đơn vị, không cần tương tác với đơn vị làm con dấu và phòng lao động của địa phương. Về cơ bản, doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký thành lập và sau 3 ngày nếu thành công sẽ có quyết định thành lập, sau đó mang kết quả này để làm tiếp các thủ tục còn lại.
Sự cải thiện của quy trình đăng ký kinh doanh tại Việt Nam chỉ là tốt hơn so với chính mình, còn khi so sánh với quy trình khởi sự kinh doanh ở Singapore thì còn cách xa. Theo đó, tất cả các hoạt động đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Singapore chỉ thông qua 1 đơn vị duy nhất là Cục Quản lý doanh nghiệp, nền tảng duy nhất là Bizfile+, tất cả hoạt động đăng ký trả phí, hướng dẫn đều thông qua cổng thông tin này, và chỉ sau 1 ngày là có thể hoạt động kinh doanh.
“Điểm tiến bộ vượt trội của Singapore là số đầu mối ít, chỉ có 2 đơn vị, hướng dẫn rõ ràng và đều hướng tới người đăng ký khởi sự kinh doanh, tức là người chưa biết gì, để họ tự làm được. Còn mình là hướng dẫn cho người có kinh nghiệm, người tư vấn về khởi sự kinh doanh thì đúng hơn”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo chuyên gia của VCCI, những người đăng ký thành lập doanh nghiệp hầu như chỉ trải nghiệm dịch vụ này 1-2 lần, vì vậy phải làm sao đơn giản hóa quy trình để kể cả những người chưa trải nghiệm lần nào cũng có thể tự thực hiện được. So với Việt Nam thì tất cả các hoạt động của Singapore đều được thực hiện trực tuyến, đồng thời bản điều lệ mẫu của công ty cũng được chuẩn hoá cho tất cả các loại hình doanh nghiệp khác nhau.
“Bản thân tôi đã tự trải nghiệm và thấy làm bản điều lệ này rất khó khăn, cứ bị trả đi trả lại, cuối cùng phải đi thuê đơn vị tư vấn dịch vụ họ làm từ đầu tới cuối là xong và nhận được kết quả. Điều đó cho thấy việc chuẩn hóa các văn bản cần thiết để doanh nghiệp thao tác nhanh, không sợ bị vi phạm pháp lý… là vấn đề có thể cải thiện”, ông Minh khuyến nghị.
Thà thuê dịch vụ còn hơn tự làm
Nhóm khảo sát của VCCI cũng tiến hành tham vấn chuyên gia, những người làm thủ tục đăng ký khởi sự doanh nghiệp. Kết quả cho thấy, khoảng 90% doanh nghiệp ở Hà Nội sử dụng dịch vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Rõ ràng việc cá nhân có thể tự làm được các thủ tục đăng ký doanh nghiệp là rất khó, mất thời gian, vì vậy họ chấp nhận bỏ vài triệu ra thuê người làm dịch vụ sẽ nhanh hơn rất nhiều.
“Điều này cho thấy hệ thống đăng ký doanh nghiệp chưa thực sự thân thiện để một người có trình độ cơ bản có thể khởi sự kinh doanh mà không sợ hãi, ngại ngùng khi thực hiện các thủ tục”, chuyên gia của VCCI bình luận.
Bên cạnh đó, thủ tục kê khai ngành nghề kinh doanh thực sự là thách đố với những người khởi sự kinh doanh. Vì nhiều người không thể tự phân loại hoạt động kinh doanh của mình nằm trong nhóm ngành nghề gì. Từ đó dẫn tới nếu liệt kê ít quá thì sợ vi phạm pháp luật mà nhiều quá thì sợ phải tìm hiểu các thủ tục, vấn đề giấy phép.
Ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển DNNVV TP.HCM đề nghị bỏ yêu cầu doanh nghiệp phải mã hoá ngành nghề kinh doanh. Bởi Luật Doanh nghiệp đã bỏ quy định ghi ngành nghề trên giấy đăng ký kinh doanh và xoá bỏ tội danh kinh doanh trái phép, vì vậy việc yêu cầu doanh nghiệp tự kê khai là không nhiều ý nghĩa.
Lý do khác được đưa ra để yêu cầu mã hoá ngành nghề là phục vụ công tác thống kê, nhưng theo ông Tuệ, trên thực tế cơ quan thống kê cũng không sử dụng được số mã hoá này. Ví dụ, TP.HCM có 500.000 doanh nghiệp, nhưng số hoạt động thực tế chỉ khoảng một nửa. Vì vậy khi phân tích ngành nghề chỉ có thể sử dụng dữ liệu của 250.000 doanh nghiệp thực sự hoạt động. Như vậy cơ quan thống kê vẫn phải đi điều tra chứ không thể sử dụng con số mã hóa ở cơ quan đăng ký kinh doanh.
“Nếu bỏ quy định này có thể giảm được ít nhất 1/3 số người thực hiện và thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp”, ông Tuệ đánh giá.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai đặt kỳ vọng, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể cấp mã định danh cho doanh nghiệp giống như cấp mã định danh cho mỗi cá nhân, như vậy sẽ tạo cơ sở để tích hợp thông tin của doanh nghiệp nhằm phục vụ mục đích tra cứu, đối chiếu khi cần. Đồng thời, thủ tục cấp đăng ký kinh doanh cần cải tiến để giảm bớt các hoạt động trực tiếp, thay vào đó chuyển sang làm trực tuyến nhiều hơn.