Thủ tục hành chính “trói chân” doanh nghiệp nông nghiệp
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, Luật Chăn nuôi ban hành năm 2018, kèm theo là Nghị định 13 và hàng loạt thông tư của Bộ NN&PTNT, nhưng quá trình thực hiện đã gặp nhiều khó khăn. Trong đó, Luật Chăn nuôi có đưa ra khái niệm về đơn vị vật nuôi, mật độ nuôi. Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp trên thực tế. Cụ thể, ông Sơn dẫn chứng, theo quy định tại Nghị định 13, mật độ chăn nuôi 1ha đất nông nghiệp quy đổi ra 500kg khối lượng sống của vật nuôi - có thể hiểu là 1ha đất nông nghiệp chỉ nuôi được 1 con trâu, 1 con bò. Nếu áp dụng theo quy định này thì nhiều địa phương phải giảm mạnh tổng đàn gia súc hiện nay.
Luật Chăn nuôi có đưa ra khái niệm về đơn vị vật nuôi, mật độ nuôi. Tuy nhiên, điều này lại không phù hợp trên thực tế |
Cùng với đó, có một số quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn không phù hợp với thực tiễn. Điển hình là Thông tư 04 của Bộ NN&PTNT về thực hiện công bố hợp quy thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y… có thể nói là gây khó dễ, tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phản ánh quy định kiểm dịch thủy sản nhập khẩu chế biến thực phẩm là biện pháp quá mức cần thiết, không phù hợp với thông lệ quốc tế, gây tốn kém cho doanh nghiệp, làm giảm năng lực cạnh tranh của thủy sản Việt Nam. Đáng chú ý, kiến nghị này đã được VASEP nhiều lần phản ánh tới Bộ NN&PTNT song chưa được sửa đổi.
Đồng thời, đại diện VASEP cũng phản ánh, Thông tư 10 của Bộ NN&PTNT cấm kháng sinh Enrofloxacin vì thị trường Nhật Bản, Mỹ cấm loại kháng sinh này, trong khi thị trường EU lại chấp nhận một lượng rất nhỏ. Đấy là lý do dẫn đến một số hàng hóa có thể xuất khẩu vào châu Âu nhưng các siêu thị ở Việt Nam không chấp nhận do vướng quy định trên.
Cùng vướng mắc về kiểm dịch như VASEP, ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết sản phẩm sữa nhập khẩu hiện nay vẫn phải kiểm dịch. Trong khi đó, các sản phẩm sữa chế biến với các dây chuyền hiện đại thì hầu như không thể còn vi khuẩn gây bệnh. Hơn nữa, hiện nay trình tự kiểm dịch thú y rất phức tạp, hàng về đến cảng phải đưa về kho sau đó lại mời và xin lịch để được thông quan. Doanh nghiệp vẫn phải qua 2 cổng: Hải quan, Thú y. Tại sao các bộ ngành không kết nối với nhau để tạo ra một cửa cho doanh nghiệp?
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ sẽ lắng nghe để có hướng xử lý kịp thời trong thời gian tới, để tạo ra cơ chế thông thoáng.
Bộ NN&PTNT cũng đã đề xuất với Chính phủ về điều chỉnh một số điều khoản để có thể kiểm tra online hoặc bằng một số giải pháp khác để có thể kiểm tra và cấp các giấy phép sớm nhất.
Đồng thời, Bộ sẽ xem xét giảm số lượng các mặt hàng cần phải kiểm dịch và kiểm tra. Đồng thời, việc kiểm tra cũng phải nhanh hơn, thái độ phục vụ tốt hơn, ứng dụng công nghệ để doanh nghiệp chỉ nộp hồ sơ và lấy kết quả tại một điểm.
Cùng với đó, nhiều khi các vướng mắc lại nằm ở cách thức triển khai. Ví dụ như cán bộ công chức do kiêm nhiệm nhiều việc nên làm một thủ tục rất chậm, nhiều khi văn bản của doanh nghiệp sai, trả lại văn bản nhưng không nói rõ lý do cũng gây ức chế cho doanh nghiệp…
Vì vậy, muốn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không chỉ sửa văn bản pháp luật mà còn sửa cả thái độ làm việc của công chức, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.