Thức ăn chăn nuôi lao đao vì cúm gia cầm
Bỏ chuồng
Ông Phạm Công Kiệt, một hộ nuôi gà tại xã Bình Minh (huyện Trảng Bom - Đồng Nai) đang rất lo lắng cho khả năng thua lỗ lớn đợt nuôi này. Dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở nhiều nơi, lây lan trên diện rộng khiến người tiêu dùng cẩn trọng với loại thực phẩm này.
Hơn 70% DN sản xuất TĂCN trong nước có quy mô nhỏ
Giá gà tam hoàng xuống rất nhanh, tại chuồng hiện chỉ bán được 24-25 nghìn đồng/kg, giảm 13-14 nghìn đồng/kg so với thời điểm giữa tháng 2/2013. Với giá này, sau khi trừ chi phí, cứ 1.000 con gà, trang trại của gia đình ông chịu lỗ từ 22-25 triệu đồng.
Do ảnh hưởng từ dịch cúm gia cầm, nhiều trang trại gà tại các địa phương thuộc tỉnh Đồng Nai cho biết, họ chỉ còn cách bỏ chuồng sau khi bán tống bán tháo đàn gà, hoặc nếu gà còn quá nhỏ thì cho ăn cầm chừng để hạn chế lỗ chứ không còn cách nào khác.
Nhiều hộ, nguồn vốn mua thức ăn đã hết, trong khi vẫn mắc nợ ngân hàng và các đại lý (ĐL), DN kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Điều đó cũng có nghĩa rằng, trong khó khăn, thất bát của người nuôi gia cầm có sự cộng đồng “gánh vác” của nhiều thành phần khác.
Từ phía các DN kinh doanh TĂCN, anh Cấn Xuân Lượng, chủ một ĐL tại thị xã Long Khánh (Đồng Nai) cho biết, hiện chỉ tính riêng lượng cám bán cho gà, vịt và chim cút, ĐL của anh đang bị khách hàng “ngậm” khoảng 1,5 tỷ đồng chưa thanh toán được. Đấy là chưa kể lượng hàng bán ra đang sụt giảm khoảng một nửa so với tháng trước. “Đa số khách hàng là chỗ quen, làm ăn đàng hoàng nhưng giá gà xuống thấp quá họ chưa trả kịp”, anh Lượng nói.
Trong khi đó, tại Bình Dương, ông Trương Kim Ánh, Giám đốc DN tư nhân Chế biến TĂCN Phú Lợi cho hay, trong tháng qua lượng cám tổng hợp dành cho gà do DN cung cấp giảm mạnh. Bình thường, mỗi tháng Phú Lợi bán cho các trang trại và hộ nuôi khoảng 300 tấn, nhưng từ lúc có thông tin dịch cúm đến nay lượng đặt hàng chỉ còn hơn 100 tấn. Việc hàng bán chậm khiến DN của ông buộc phải tiết giảm sản xuất một số loại sản phẩm để dồn vốn trả các khoản nợ cũ.
Về vấn đề này, ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty Thanh Bình (Đồng Nai) cho rằng, khi có dịch bệnh, lượng tiêu thụ TĂCN sụt giảm là dễ hiểu. Theo vị này dự đoán, trong bối cảnh giá sản phẩm chăn nuôi sụt dưới giá thành như hiện nay thì sản lượng tiêu thụ cám cho gia cầm và thủy cầm thời gian tới sẽ giảm từ 20-25%. Nhưng điều đáng nói là giá TĂCN chưa thấy giảm nhiều.
Sàng lọc và loại bỏ DN yếu
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam, trong vòng 2 năm trở lại đây, cùng với sự suy giảm lợi nhuận của ngành chăn nuôi thì ngành công nghiệp sản xuất TĂCN tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng rõ rệt.
Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có khoảng gần 240 nhà máy sản xuất TĂCN nhưng 59,1% sản lượng TĂCN bán ra thị trường là được sản xuất từ 60 DN có vốn đầu tư nước ngoài. Đa số các DN trong nước chỉ sản xuất nhỏ và luôn bị phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
“Hiện mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 12,5 triệu tấn TĂCN/năm, nhưng chúng ta phải nhập tới 9 triệu tấn nguyên liệu, tương đương 72% số nguyên liệu TĂCN phải nhập ngoại”, ông Lịch nói.
Chính vì một mặt phải phụ thuộc vào nguyên liệu ngoại nhập, một mặt phải co kéo để cân đối tài chính kinh doanh nên các DN sản xuất TĂCN trong nước luôn không cạnh tranh được với các DN nước ngoài. Theo ông Bình, trong bối cảnh khó khăn, các DN có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực TĂCN (chiếm khoảng 60% thị phần) vẫn có thể vượt qua, thậm chí kinh doanh có lãi.
Bởi vì, họ đầu tư khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, có thể cân đối nhập khẩu nguyên liệu thức ăn từ công ty mẹ để bù vào phần lỗ từ sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, riêng các DN nhỏ và siêu nhỏ trong nước thì sẽ rơi vào bế tắc. Họ phải vay vốn ngân hàng để nhập khẩu nguyên liệu, khi đầu ra sản phẩm bị tắc lại ở các ĐL và trang trại chăn nuôi thì gặp rất nhiều khó khăn.
“Những lúc thị trường chăn nuôi tương đối tốt thì các DN sản xuất TĂCN nhỏ còn trụ được. Nhưng những lúc dịch bệnh xảy ra thì tình trạng chết dây chuyền lại tái diễn. Chẳng hạn như hồi đầu năm ngoái, khi giá heo (lợn), gà xuống thấp hơn giá thành, nhiều hộ nuôi và trang trại bỏ chuồng, thì cũng khiến hơn 40 DN sản xuất TĂCN trên cả nước chết theo”, ông Lịch dẫn chứng.
Còn theo ông Phạm Đức Bình, hiện nay tình trạng nợ lòng vòng của các DN TĂCN và trang trại không phải là vấn đề đáng lo ngại. Cái chính là nó cảnh báo thực tế không còn đất sống cho làm ăn nhỏ lẻ.
Theo phân tích của ông Bình, từ nhiều năm nay, ngành chăn nuôi ở trong nước đã không có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Việc tồn tại quá nhiều DN sản xuất, thương mại TĂCN cũng như tỷ lệ chăn nuôi nông hộ quá lớn luôn khiến các DN trong nước thua thiệt.
“Thẳng thắn mà nhìn nhận, quy luật thị trường đang bắt đầu sàng lọc những DN yếu kém về kinh nghiệm cũng như khả năng tài chính. Những DN này có thể bị phá sản và quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ cũng khó có thể tồn tại trong thời gian tới, nhất là khi các Hiệp định thương mại tự do TPP và AFTA có hiệu lực”, ông Bình dự báo.
Ông Nguyễn Phước Trung |
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh
Sẽ tạm trữ trứng và thịt gia cầm
Mặc dù hiện nay tình hình dịch bệnh trên gia cầm chưa ảnh hưởng trực tiếp đến các trang trại chăn nuôi và các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, để hỗ trợ các DN thì phải giải quyết vấn đề gốc rễ là phối hợp chặt chẽ với các tỉnh lân cận trong việc khống chế dịch bệnh, ngăn đà giảm giá và đảm bảo ổn định thị trường thịt gia cầm, trứng gia cầm.
Vừa qua, Sở NN&PTNT đã làm việc với Sở Công Thương và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), thống nhất triển khai một số biện pháp hỗ trợ DN ngành chăn nuôi và giết mổ gia cầm. Theo đó, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các ngân hàng thực hiện chương trình tạm trữ mặt hàng trứng và thịt gia cầm nhằm giảm nguy cơ thiếu hụt nguồn cung gia cầm sau dịch bệnh.
Ông Phạm Đức Bình |
Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam kiêm Tổng giám đốc Công ty Thanh Bình
Cần chính sách phù hợp
Với cách kinh doanh nhỏ lẻ, buộc phải bán hàng bằng mọi giá nên nhiều DN TĂCN trong nước, nhất là các DN nhỏ, chấp nhận bán thiếu nợ cho các ĐL. Các ĐL cũng chấp nhận bán thiếu nợ cho nhà chăn nuôi. Khi giá thịt gia súc, gia cầm trên thị trường giảm, người chăn nuôi lỗ nên kéo theo cả một dây chuyền bị ảnh hưởng.
Tôi cho rằng, hiện các DN sản xuất TĂCN đang có một khoản nợ xấu khá cao. Cách tốt nhất là để tự cho những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải ngừng chăn nuôi hoặc phải chuyển sang chăn nuôi ở quy mô trung bình, quy mô lớn, rồi tự chế TĂCN hoặc mua trực tiếp từ các công ty sản xuất TĂCN. Như vậy sẽ giảm chi phí trung gian trả cho ĐL, may ra mới có lãi.
Riêng với ngành công nghiệp sản xuất TĂCN, Nhà nước nên có quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu trong nước một cách cụ thể, đồng thời có những chính sách phù hợp để phát triển ngành này.
Bởi hiện nay, một số loại nguyên liệu chế biến TĂCN nhập khẩu vẫn đang phải chịu thuế, trong khi thuế xuất khẩu bắp, khoai mì... lại bằng 0%. Như thế, các DN trong nước khó có thể cạnh tranh được với các DN ngoại về giá thành sản phẩm TĂCN.
Ông Phạm Văn Lợi |
Ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch HĐQT CTCP TĂCN Tiền Trung (Hải Dương)
Chưa có hướng xử lý nếu dịch tiếp tục
Công ty chúng tôi có hệ thống liên hoàn cả chăn nuôi và sản xuất thức ăn cung cấp ra ngoài thị trường, nên khi dịch cúm gia cầm bùng phát thì thiệt hại về kinh tế là khó tránh khỏi. Các sản phẩm như thịt, trứng gia cầm không bán được đã đành mà ngay cả thức ăn chăn nuôi cũng không thể bán ra thị trường. Hiện tại với dây chuyền sản xuất chúng tôi chỉ sản xuất bằng 50% công suất bình thường, nên khó khăn về tài chính rất nặng nề.
Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, các sở ban ngành cũng đều vào cuộc giúp đỡ DN khá nhiều. Sở Nông nghiệp cũng cử cán bộ thú y đến tiêm vắc - xin cho gia cầm cũng như các NHTM đều có chính sách giãn nợ cho DN nên chúng tôi vẫn có thể cầm cự, nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục thì công ty cũng chưa có hướng nào để xử lý.
Ngành Ngân hàng sẵn sàng đồng hành Trao đổi với phóng viên TBNH về thực trạng khó khăn của người chăn nuôi và các DN sản xuất, thương mại TĂCN, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đối với các DN sản xuất TĂCN cũng như các trang trại, nông hộ chăn nuôi khoảng 307 tỷ đồng. Ảnh hưởng của dịch bệnh trên gia cầm thực tế không quá lớn đối với hoạt động tín dụng tại địa phương. “Trong thời gian tới, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu thì ngành Ngân hàng sẽ kiến nghị UBND tỉnh công bố dịch để người chăn nuôi được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước như: khoanh nợ, giãn nợ… Những trang trại, hộ chăn nuôi có phương án sản xuất hiệu quả vẫn được ngân hàng giải quyết cho vay mới. Hiện, NHNN Chi nhánh tỉnh Đồng Nai đang kiến nghị mở rộng danh sách các ngân hàng được hỗ trợ nông dân vay vốn”, ông Tuấn cho biết. Trước đó, NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các NHTM triển khai gói lãi suất cho vay 6%/năm đối với DN kinh doanh mặt hàng thịt và trứng gia cầm để giữ giá và hạn chế tối đa thiệt hại đến người nuôi từ dịch cúm. Hiện đã có 4 ngân hàng (Sacombank, Agribank, VietinBank và Vietcombank) tham gia ký kết thỏa thuận cho 11 DN hoạt động trên địa bàn thành phố vay hơn 800 tỷ đồng với lãi suất từ 6-11%/năm để đổi mới công nghệ và đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Riêng Sacombank đã hỗ trợ khoảng 290 tỷ đồng để các DN tham gia bình ổn thị trường, ứng phó với tình trạng khan hiếm sản phẩm thịt và trứng gia cầm do ảnh hưởng của dịch cúm. |
Bài và ảnh Hà Minh