Thúc đẩy chuyển đổi kinh tế tuần hoàn ở địa phương
Tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế tuần hoàn Chi phí tái chế hợp lý sẽ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn |
Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững qua việc đặt mục tiêu 85% nhựa được tái chế vào năm 2025; cải thiện quản lý chất thải đô thị với 100% rác thải hữu cơ đô thị được tái chế, tăng tối đa tỷ lệ tái chế nước thải…
Cùng với tỷ lệ đô thị hóa đang gia tăng và dự kiến sẽ đạt 50% vào năm 2030, nhiều địa phương đang nỗ lực để nhanh chóng nắm bắt và hiện thực hóa các cơ hội từ quá trình chuyển dịch sang kinh tế tuần hoàn một cách bài bản và toàn diện trong các ngành.
Điển hình như Đà Nẵng đã tiên phong trong việc xây dựng lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2022-2030, ưu tiên thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn như quản lý chất thải rắn (bao gồm chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn xây dựng và rác thải nhựa); sử dụng nguyên liệu, năng lượng xanh; tuần hoàn lương thực thực phẩm; xây dựng khu công nghiệp sinh thái, tuần hoàn nước; hình thành thế hệ công dân tiêu dùng xanh. Từ năm 2030, kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng chủ đạo. Đến cuối năm 2045, thành phố cơ bản đạt được các tiêu chí của một thành phố tuần hoàn.
Kinh tế tuần hoàn đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 |
Chánh Văn phòng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng Bùi Ngọc Như Nguyệt cho biết, Viện đã kết hợp định hướng quốc gia với kế hoạch của thành phố nhằm tạo ra quy trình gồm 12 bước chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, trong đó xác định các lĩnh vực ưu tiên dựa trên bối cảnh địa phương trong các lĩnh vực như quản lý chất thải, vật liệu, năng lượng; hành vi tiêu dùng… Để đảm bảo quá trình chuyển đổi được tổ chức tốt và hiệu quả, lộ trình được cấu trúc theo 3 giai đoạn, phù hợp hài hòa với đề án quốc gia về phát triển kinh tế tuần hoàn. Dựa trên bài học kinh nghiệm, bà Nguyệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lập kế hoạch và cách tiếp cận cùng phương pháp luận trước khi thực hiện để nâng cao hiệu quả thực hiện. Ngoài ra, rất cần làm rõ trách nhiệm của từng bên tham gia.
Hay như Thừa Thiên Huế cũng đã coi kinh tế tuần hoàn là một trong những trụ cột của chiến lược hiện đại hóa địa phương, vì vậy cũng đã tiên phong trong quá trình nghiên cứu chuyển đổi theo hướng tuần hoàn. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đặt ra tầm nhìn đầy tham vọng, xây dựng thành phố “trở thành đô thị bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, mang đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, và cảnh quan đô thị thân thiện với môi trường và thông minh” với việc thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững qua việc đặt mục tiêu 85% nhựa được tái chế vào năm 2025; cải thiện quản lý chất thải đô thị với 100% rác thải hữu cơ đô thị được tái chế, tăng tối đa tỷ lệ tái chế nước thải… |
Ông Cao Quốc Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế cho biết, thành phố đã chủ động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy phát triển bền vững và thực hiện dự án số hóa quản lý chất thải, điện hóa phương tiện giao thông; tiến hành các chiến dịch giáo dục và truyền thông nâng cao nhận thức. Đặc biệt, Trung tâm còn hợp tác với UNDP để tiến hành nghiên cứu phân tích dòng chuyển hóa vật chất theo bối cảnh của Huế. Đồng thời, xây dựng một liên minh các đối tác để thu thập dữ liệu, và tạo cơ hội để họ chia sẻ các khuyến nghị về các ưu tiên môi trường và kinh tế - xã hội trong phân tích dòng chuyển hóa vật chất. Báo cáo kết quả nghiên cứu sẽ được công bố để tham vấn trong tháng 8 này và sẽ là cơ sở đề xuất lộ trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn cho thành phố.
Về vấn để này, ông Diego Luis Santiago, Phó Ban Hành chính, thành phố Pasig (Philippines) cũng chia sẻ, tuy hiện người dân ở đây chưa thật quen với khái niệm kinh tế tuần hoàn và địa phương cũng chưa ban hành các văn bản pháp quy chính thức, nhưng thành phố đã hiện hữu nhiều hoạt động kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cũng như trong nước đã chỉ ra, không có hình mẫu chung cho việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn mà cần căn cứ trên bối cảnh, đặc điểm tình hình của địa phương, phù hợp với định hướng phát triển quốc gia.
Các chuyên gia cũng thống nhất, “việc khuyến khích các mô hình tuần hoàn và thói quen sống xanh sẽ hiệu quả hơn các công cụ pháp lý mang tính cưỡng chế”.