Thúc đẩy giá trị gia tăng từ dược liệu biển
Xây dựng cơ chế đặc thù phát triển dược liệu gắn với du lịch sinh thái Bảo tồn, phát triển và xúc tiến thương mại ngành sâm, hương liệu và dược liệu Việt Nam |
Phong phú dược liệu biển Việt Nam
Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam có nguồn dược liệu nói chung và dược liệu biển rất đa dạng, với hơn 3.000km bờ biển với nguồn khoáng vật, vi sinh vật, thực vật rất phong phú, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển dược liệu, chăm sóc sức khỏe người dân. Với tiềm năng sẵn có, ngành y tế đã và đang đầu tư để phát triển ngành dược liệu biển, phát triển y học cổ truyền từng bước ngang tầm với y học hiện đại trong phòng và chữa bệnh.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, Việt Nam có gần 12.000 loài sinh vật biển, bao gồm 2.000 loài cá, 6.000 loài động vật đáy, 653 loài tảo, 5 loài rùa, 12 loài rắn biển... Từ lâu, dược liệu từ biển có nhiều công dụng, được sử dụng trong y học cổ truyền dân tộc để phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân như, hải mã (cá ngựa), ô tặc cốt (mai mực), mẫu lệ, hải sâm, bào ngư, sao biển…
Bên cạnh đó, với sự phát triển của y học hiện đại đến nay việc nghiên cứu phát triển thuốc, thực phẩm chức năng từ nguồn tài nguyên biển nhận được sự quan tâm nghiên cứu, phát triển của các nhà khoa học trên thế giới như, Mỹ, Nhật, Canada, Hàn Quốc, Australia, Hà Lan, Ấn Độ… Nhiều thuốc điều trị bệnh đã được nghiên cứu phát triển, cấp phép từ nguồn tài nguyên biển như, thuốc kháng sinh cephalosporin C, thuốc điều trị ung thư Cytarabine, Nelarabine… thuốc kháng virus: vidarabine, thuốc điều trị tiểu đường; thuốc điều trị, ngăn ngừa bệnh tim mạch, đột quỵ như EPA và DHA từ cá…
PGS. TS. Phạm Đức Thịnh (Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang) cho biết, những sinh vật biển sinh trưởng và phát triển trong điều kiện khắc nghiệt tạo ra các hợp chất có nhiều hoạt tính sinh học như khả năng kháng vi khuẩn, hỗ trợ chống ung thư, kháng viêm, tăng cường miễn dịch, chất chống lão hóa, chống vi khuẩn, chất dưỡng ẩm…
Tại khu vực miền Trung, Phú Yên là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về dược liệu biển. Bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên cho biết, cùng với 27 tỉnh, thành ven biển khác trong cả nước, Phú Yên với đường bờ biển dài hơn 189km, vùng biển khoảng 34.000km2, có nhiều lợi thế về biển, khá đa dạng về sinh học và có nhiều loài thủy sản đặc trưng dùng làm dược liệu quý như cá ngựa, hải sâm… Bởi vậy, địa phương rất quan tâm, phát huy lợi thế về biển, đề ra nhiều giải pháp để phát triển kinh tế biển. Đến nay, mặc dù tỉnh chưa có cơ sở nuôi trồng dược liệu biển quy mô hàng hóa, nhưng cũng rất quan tâm triển khai một số mô hình nghiên cứu nuôi trồng dược liệu biển phù hợp với địa phương như, nghiên cứu nuôi thương phẩm sá sùng, hải sâm…
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển dược liệu biển |
Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất dược liệu biển
Trên thực tế, việc phát triển sản xuất hóa dược từ nguồn dược liệu sinh vật biển của Việt Nam là một hướng đi quan trọng và cần thiết, đồng thời là một chiến lược lâu dài cần được quan tâm, đầu tư, hướng đến phát triển nền công nghiệp sản xuất hóa dược từ nguồn dược liệu sinh vật biển ở tầm quốc tế… Dù có nhiều tiềm năng, song cũng theo PGS. TS. Phạm Đức Thịnh, mặc dù nước ta có bờ biển dài và sự đa dạng sinh vật biển nhưng các nghiên cứu về dược liệu biển vẫn còn rất hạn chế và vẫn đang ở giai đoạn ban đầu, việc thúc đẩy giá trị gia tăng từ dược liệu biển vẫn còn những hạn chế.
Hiện, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong nghiên cứu dược liệu biển. Trong đó, việc thu thập các mẫu sinh vật biển đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thu các mẫu ở vùng biển xa bờ và các mẫu ở khu vực biển sâu do chưa có tàu chuyên dụng phục vụ cho việc khảo sát và nghiên cứu biển, thiếu các trang thiết bị chuyên dụng phục vụ thăm dò và thu thập mẫu biển sâu. Bên cạnh đó, việc đưa các loại thuốc mới vào thị trường là một quá trình có tính chọn lọc rất cao ở đó chỉ những hợp chất phù hợp nhất mới có thể tồn tại...
Bởi vậy, để phát triển ngành dược liệu biển, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, các địa phương, bộ, ngành cần có ý kiến về xây dựng chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu biển ở từng vùng trong cả nước. Trong đó, ưu tiên đầu tư và tập trung phát triển các dược liệu biển đặc hiệu có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, các bộ, ban, ngành cần phối hợp xây dựng chính sách bảo tồn, bảo hộ nguồn gen của dược liệu biển…
Các địa phương ven biển cũng cần quy hoạch cụ thể các vùng nuôi trồng, phát triển dược liệu biển. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học, chuyên gia thuận lợi trong việc đến nghiên cứu. Đồng thời, phải xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc dược liệu biển. Kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đưa ra thị trường những dược liệu biển không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, các vùng hình thành các chuỗi liên kết trong nuôi trồng, sơ chế dược liệu biển, đặc biệt rà soát. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp triển khai nuôi trồng, khai thác, phát triển sản phẩm chất lượng cao từ dược liệu biển. Từ đó, sản xuất đa dạng các sản phẩm từ dược liệu biển như sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... góp phần tạo các sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ dược liệu biển.