Thúc đẩy giải ngân vốn vay nước ngoài
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế |
Nguyên nhân cản trở
Theo số liệu của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), ước số vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài giải ngân đến hết tháng 8 ước đạt 8.411 tỉ đồng, bằng 21,86% so với dự toán được giao. Số liệu giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 nguồn nước ngoài cho các địa phương vay lại là 5.767,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 29,3% so với dự toán được các địa phương nhập Tabmis.
Với tốc độ này, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà cho rằng, nếu không có các biện pháp thúc đẩy tăng cường giải ngân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì từ nay tới cuối năm, khả năng số liệu giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài ở các địa phương cũng không thể tăng được nhiều. Đặc biệt là qua số liệu rà soát của Bộ Tài chính cho thấy, có tới 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí không giải ngân được đồng vốn nào. Thậm chí có 5/62 địa phương có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị trả lại kế hoạch vốn, tổng số 1.617,2 tỷ đồng; có 7 bộ, ngành không giải ngân được, xin hoàn trả số vốn lên đến 4.099 tỷ đồng.
Theo các địa phương báo cáo, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài ở địa phương còn thấp là do việc đăng ký vốn chưa sát thực tế, chưa lường hết được các vấn đề trong quá trình triển khai, công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư chưa hợp lý khiến dự án cần điều chỉnh nhiều lần làm mất nhiều thời gian thực hiện…
Nguyên nhân nữa, theo bà Nguyễn Xuân Thảo - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, đó là hầu hết các hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát… bị ảnh hưởng của COVID-19 nên chậm lại.
Ở góc độ địa phương, giải thích về nguyên nhân mới giải ngân được 375 tỷ đồng/1.376 tỷ đồng kế hoạch được giao trong năm 2020, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, do một số dự án vốn nước ngoài được giao vào tháng 12/2019 chờ các bộ chủ quản lập kế hoạch hoạt động, một số tiểu dự án phải chờ hướng dẫn các định mức và rà soát dự án tổng (như dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển vừa được phê duyệt kế hoạch trong tháng 6/2020; dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Thừa Thiên - Huế đến nay vẫn đang điều chỉnh kế hoạch)... Thừa Thiên - Huế còn vướng vì phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn chất lượng môi trường, xã hội theo yêu cầu của các nhà tài trợ nên mất khá nhiều thời gian.
Với Thủ đô Hà Nội, năm 2020 này được giao 9 dự án ODA với tổng vốn kế hoạch là 6.982 tỷ đồng, trong đó vốn ODA được giao là 5.235 tỷ đồng và vốn đối ứng là 735 tỷ đồng. Ngoài ra, kế hoạch vốn ODA cấp phát chuyển của năm 2019 sang là 1.010 tỷ đồng. Tuy nhiên đến hết tháng 8/2020, Hà Nội mới giải ngân 1.657 tỷ đồng, đạt 27,75% kế hoạch. Bên cạnh đó, giá trị giải ngân kế hoạch năm 2019 nguồn vốn ODA cấp phát đạt 340 tỷ đồng, bằng 39,56% kế hoạch.
Giải thích lý do giải ngân chậm, ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, dự án Tuyến đường sắt thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội còn một số vướng mắc về thủ tục tạm ứng gói thầu số 9 do Bộ Tư pháp chưa cấp hiệu lực pháp lý cho Hiệp định vay bổ sung 20 triệu Euro với chính phủ Pháp. Hà Nội cũng vướng khi thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và dự án Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án Đường sắt đô thị số 3 Hà Nội…
Yêu cầu cam kết giải ngân
Để đảm bảo phối hợp hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương có cam kết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài ở mức độ 100% dự toán được giao và lấy đây làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Đối với số vốn nước ngoài đã phân bổ các năm trước còn lại, nếu có khả năng giải ngân, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành cần sớm tổng hợp kế hoạch đầu tư công còn thiếu để Bộ KH-ĐT tổng hợp, cân đối trong cả giai đoạn năm 2016-2020, song không vượt quá kế hoạch được Quốc hội giao. Đối với trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra, phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao, Bộ Tài chính đề nghị có văn bản đề xuất cắt, giảm, điều chuyển ngay trong tháng 8…
Trong văn bản chỉ đạo mới đây nhất số 1259/TTg-KTTH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu giải ngân tối đa nguồn vốn ODA được giao theo kế hoạch. Từng bộ ngành và từng địa phương phải quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn ODA, tạo động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.
Thủ tướng chỉ đạo rõ, nếu các đơn vị nào không giải ngân được thì phải báo cáo để Thủ tướng Chính phủ xem xét, có điều chỉnh kế hoạch và điều chuyển dự toán cho các tỉnh/thành, bộ, ngành khác có nhu cầu giải ngân. Thực hiện nghiêm việc đánh giá cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình làm chậm, gây khó khăn, nhũng nhiễu, vi phạm quy định, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí về đầu tư công.
Theo bà Nguyễn Xuân Thảo, nếu loại trừ 4.000 tỷ đồng mà các địa phương và bộ ngành trả lại, thì với những biện pháp mà Thủ tướng chỉ đạo và Bộ Tài chính đề nghị thì khả năng là sẽ hoàn thành giải ngân hết 100% số vốn còn lại như Thủ tướng yêu cầu.
Để thúc đẩy giải ngân, thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng cho biết, từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính sẽ duy trì hội nghị giao ban hàng tháng với các bộ, ngành, địa phương để kiểm điểm tiến độ giải ngân và cùng đưa ra các biện pháp tháo gỡ nhằm thực hiện tốt nhất công tác giải ngân theo đúng kế hoạch đã đề ra. Bộ Tài chính trong thời gian tới sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân, tháo gỡ vướng mắc phát sinh, đảm bảo hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của cả nước.
Các chuyên gia rất đồng tình với đề nghị của Bộ Tài chính, đặc biệt phải thực hiện biện pháp gắn trách nhiệm với người đứng đầu coi đây là tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ, có như thế mới hy vọng mọi việc được thúc đẩy, nhiệm vụ được hoàn thành.