Thúc đẩy kết nối tài chính từ sức mạnh công nghệ số
Tiềm năng thị trường Web3 trong kỷ nguyên số Phát triển bền vững nền kinh tế bằng công nghệ số |
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, theo ông Việt Nam đã và đang có những lợi thế gì để thu hút các ngân hàng, định chế tài chính, tập đoàn nước ngoài?
Hiện nay Việt Nam có nhiều tiềm năng so với các nước trong khu vực bởi có dân số trẻ, trình độ khoa học kỹ thuật ngày một nâng cao, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của các công ty, tập đoàn nước ngoài và có thể trở thành một “mắt xích” quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Quan trọng hơn, Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều chính sách phù hợp để “chèo lái” con thuyền kinh tế đứng vững trước những khó khăn, tác động từ bên ngoài. Đây chính là lý do khiến cho nhiều nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam như một điểm đến hứa hẹn, nhiều tiềm năng.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu và sự gia tăng dân số trong độ tuổi lao động đang định hình đáng kể xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam trong dài hạn. Tuy nhiên, trong khi các khu vực đô thị ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, thì nhiều khu vực nông thôn vẫn còn bị hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính thiết yếu. Sự chênh lệch này tạo ra “chỗ trống” để những định chế tài chính, ngân hàng nước ngoài “đặt chân” và mở rộng dịch vụ tài chính toàn diện phục vụ cho nhóm cộng đồng chưa được tiếp cận dịch vụ, góp phần vào sự tăng trưởng đồng đều tại Việt Nam.
Vậy, để có thể đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước một cách mạnh mẽ thì các ngân hàng trong và ngoài nước cần chú trọng điều gì, thưa ông?
Trong bối cảnh hiện nay, để nắm bắt được cơ hội, các tổ chức, ngân hàng phải không ngừng nỗ lực chuyển đổi, tạo những “đột phá” trong dịch vụ tài chính và cải thiện đời sống xã hội nhằm “trao quyền” cho khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Cùng với đó, không ngừng nâng cao giá trị và tăng cường kết nối để thu hút đa dạng đối tượng khách hàng tiềm năng.
Tầm nhìn chiến lược về tiềm năng phát triển kinh tế, cùng với kết quả từ các nghiên cứu thị trường chính là nền tảng để các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam thúc đẩy kết nối tài chính. Bằng cách tận dụng mạng lưới kết nối và kinh nghiệm chuyên môn của mình, KBank sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy các khoản đầu tư mang tính đột biến, tạo môi trường phát triển năng động cho sự hợp tác trong toàn khu vực.
Đâu là đối tượng mà ngân hàng “nhắm” đến để góp phần tạo ra động lực thúc đẩy nền kinh tế tại thị trường Việt Nam?
Hiểu rõ vai trò then chốt của các SME trong hệ sinh thái kinh tế tại Việt Nam, KBank đề cao việc trao quyền cho nhóm khách hàng này. Mặc dù hơn 97% các doanh nghiệp ở Việt Nam là SME, nhưng trên thực tế, họ chỉ chiếm 20% thị phần trong cơ cấu thị trường vốn tín dụng. Để giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn hơn, các hộ kinh doanh trực tuyến cũng có thể dễ dàng tiếp cận vay thông qua nền tảng số mà không cần phải tới trực tiếp chi nhánh ngân hàng, KBank dự kiến mở rộng danh mục nguồn vốn cho các đối tượng này lên khoảng 40 triệu USD vào cuối năm nay. Đồng thời, tạo ra các giải pháp tài chính phù hợp với từng hoạt động kinh doanh, trang bị cho họ những công cụ cần thiết giúp thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh đó, việc phát triển kết nối kỹ thuật số cho nhóm khách hàng cá nhân cũng vô cùng quan trọng. Cam kết của KBank về việc cung cấp giải pháp tài chính toàn diện sẽ được thể hiện qua sự tập trung vào phân khúc khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc những đối tượng chưa được tiếp cận với các dịch vụ tài chính phổ thông. Qua đó, không chỉ giúp phát triển kinh tế của nhóm khách hàng này mà còn thúc đẩy đồng đều nền kinh tế tại Việt Nam.
Đây liệu có phải là một “gợi ý” cho những ngân hàng trong nước chọn nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận nhóm khách hàng SME, thông qua việc hỗ trợ năng lực tài chính giúp họ tự chủ và dần lớn mạnh để đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế đất nước không, thưa ông?
Thường thì mỗi ngân hàng sẽ phục vụ tập trung vào mỗi nhóm khách hàng khác nhau tại Việt Nam từ doanh nghiệp lớn, SME và khách hàng cá nhân bằng cách tạo cơ hội để họ có thể nắm bắt thông qua hỗ trợ tài chính lẫn phi tài chính. Với mục đích hỗ trợ cuộc sống và hoạt động kinh doanh của mọi khách hàng, các ngân hàng sẽ thiết kế nhiều sản phẩm khác nhau một cách linh hoạt, để đảm bảo rằng khách hàng được trang bị các giải pháp tài chính phù hợp cho từng giai đoạn cụ thể.
Đặc biệt, hệ sinh thái ngân hàng cần phát triển dựa trên mối quan hệ cộng sinh giữa tinh thần khởi nghiệp, sức mạnh công nghệ và mảng kỹ thuật số. Tinh thần khởi nghiệp đóng vai trò là động lực, khơi dậy những ý tưởng và những dự án đổi mới. Khi các dự án này phát triển, công nghệ sẽ bước vào để cung cấp các công cụ và giải pháp cần thiết giúp hoạt động hiệu quả. Mảng kỹ thuật số đóng vai trò là cầu nối, cung cấp các nền tảng để các cải tiến công nghệ, tiếp cận rộng rãi đến nhiều tổ chức, cá nhân hơn. Đây là cơ sở giúp các ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế ở bất kỳ một quốc gia nào.
Xin cảm ơn ông!