Thúc đẩy ngành tôm phát triển bền vững
Ở Việt Nam, đến nay có 4 loại tôm nước lợ đang được nuôi trồng là tôm càng xanh, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, tôm hùm với sản lượng bình quân khoảng 200.000 tấn/năm. Những năm gần đây với nhiều phương thức nuôi mới, đặc biệt nuôi thâm canh, siêu thâm canh nên sản lượng đã tăng lên 700.000 - 850.000 tấn/năm. Riêng năm 2021, diện tích tôm nước lợ thả nuôi ước đạt 740.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú là 630.000 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng 110.000 ha. Sản lượng tôm nuôi năm 2021 đạt 970.000 tấn (bằng 104,3% so với năm 2020), trong đó, tôm sú 277.500 tấn, tôm thẻ chân trắng 642.500 tấn.
Theo báo cáo, hàng năm ngành thủy sản đóng góp hơn 3% tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Thuỷ sản là một trong 5 ngành có giá trị xuất khẩu đứng đầu toàn quốc, trong đó tôm là một trong 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực, với tổng giá trị kim ngạch chiếm khoảng 45% giá trị kim ngạch toàn ngành. Bình quân tăng trưởng của nghề nuôi trồng, chế biến xuất khẩu tôm đạt 6,82%/năm, theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững - ICAFIS (Hội Nghề cá Việt Nam).
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh và “nóng” của nghề nuôi tôm trong giai đoạn 2010 – 2019, đã bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế. Phát triển nuôi tự phát, nhanh song thiếu quy hoạch (cơ sở hạ tầng, giống, thức ăn...) và chưa mạnh trong tiếp cận thị trường, dẫn đến các vấn đề như ô nhiễm môi trường, giá đầu vào cao trong khi giá đầu ra bấp bênh, yêu cầu của thị trường nước ngoài khắt khe hơn và phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Liên kết chuỗi cũng chưa chặt chẽ... là những thách thức không nhỏ, đe dọa sự phát triển bền vững của nghề nuôi tôm cũng như của vùng ĐBSCL.
Bắt đầu từ năm 2016, chúng ta đã có “Diễn đàn tôm Việt” - sáng kiến của ICAFIS trong khuôn khổ triển khai dự án "Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững, công bằng tại Việt Nam- SusV" và dự án "Tăng cường bình đẳng giới trong chuỗi giá trị tôm và đầu tư kinh doanh nông nghiệp tại Đông Nam Á- Graisea", do Liên minh châu Âu, Đại sứ quán Thuỵ Điển, Oxfam tài trợ. Diễn đàn đã trở thành sự kiện thường niên do D-FISH, ICAFIS, Oxfam, WWF Việt Nam tổ chức… nhằm chia sẻ, thảo luận và đưa ra các giải pháp trong phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam liên quan đến khoa học công nghệ, chính sách, mô hình nuôi, thị trường, nông nghiệp hữu cơ và những vấn đề bức thiết của ngành.
Bên cạnh diễn đàn offline, diễn đàn online thông qua các mạng xã hội Facebook, Zalo cũng được thiết lập để chia sẻ và thảo luận các thông tin hàng ngày về giá tôm, thị trường tôm, kỹ thuật nuôi tôm, chính sách mới… Qua thực tiễn triển khai, diễn đàn này vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: Số lượng thành viên hạn chế, thông tin thường bị trôi và khó xem, khó tra cứu lại dữ liệu cũ…
Để diễn đàn hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu của các bên tham gia trong ngành tôm, cần thiết phải xây dựng một ứng dụng số với nhiều tính năng trên điện thoại thông minh với 2 nền tảng IOS và Android, ông Đinh Xuân Lập chia sẻ.
Đáp ứng nhu cầu đó, "Ứng dụng số cho Diễn đàn tôm Việt" mới đây dược ra mắt đã giúp kết nối các thành viên thuận tiện trong trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên mục chuyên biệt được cập nhật thường xuyên và liên tục, đặc biệt tra cứu không giới hạn thời gian.
Ông Nguyễn Hùng Cường, chuyên gia của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết: Ứng dụng này giải quyết được 2 vấn đề rất quan trọng đó là nâng cao khả năng tiếp cận của các yếu tố và các bên liên quan trong chuỗi, đồng thời minh bạch được thông tin giữa người mua, người bán, chính xác, kịp thời về giá.
Đó không chỉ là những lợi ích mang lại mà còn là minh chứng cho sự phối kết hợp giữa Nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp xã hội để chuyển đổi số trong ngành tôm, giảm thiểu rủi ro đối với người nuôi tôm, giúp ngành tôm phát triển bền vững, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh.