Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp
Phó thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo NHNN chi nhánh tỉnh Bình Phước đã báo cáo chi tiết về kết quả triển khai các chương trình tín dụng tại địa phương thời gian vừa qua. Theo đó, tính đến cuối tháng 6/2023 tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đạt khoảng trên 118.760 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 10,85% so với cuối năm 2022.
Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng trên 72.000 tỷ đồng chiếm 61,29% tổng dư nợ toàn địa bàn; dư nợ đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng gần 200 tỷ đồng; dư nợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khoảng 17.200 tỷ đồng.
Ông Bùi Huy Thọ, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bình Phước cho biết, 6 tháng vừa qua các TCTD tại địa phương đã khá tích cực trong việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và hỗ trợ các hộ dân vay vốn trồng cây hồ tiêu bị thiệt hại do dịch bệnh. Đồng thời cũng tích cực triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN.
Theo đó, tính đến hiện nay các NHTM đã hỗ trợ khoảng 174,7 tỷ đồng theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP cho các khách hàng, tổng số tiền lãi được hỗ trợ là 760 triệu đồng. Các ngân hàng tại Bình Phước cũng đã hỗ trợ cơ cấu thời hạn trả nợ gốc và lãi cho 829 khách hàng vay vốn trồng tiêu với dư nợ hơn gần 388,6 tỷ đồng, giảm lãi cho gần 5.900 khách hàng với dư nợ được giảm lãi là gần 1.400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng tại địa phương cũng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với 369 lượt khách hàng, tổng số dư nợ (cả gốc và lãi) được giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ là 272,4 tỷ đồng.
Mặc dù các ngân hàng rất tích cực trong việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất nhưng theo ông Thọ, thực tế triển khai Nghị định số 31/NĐ-CP trên địa bàn Bình Phước vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, chủ yếu là tâm lý e ngại của khách hàng do phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về sau. Ngoài ra một số doanh nghiệp tuy đáp ứng điều kiện về hỗ trợ lãi suất, có phương án phục hồi khả thi nhưng có nhu cầu vay ngoại tệ nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất.
Để tăng hiệu quả chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, thời gian vừa qua NHNN chi nhánh tỉnh Bình Phước đã kiến nghị với Bộ Tài chính và UBND tỉnh, nghiên cứu chuyển hướng gói hỗ trợ lãi suất sang hình thức hỗ trợ giảm thuế cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Từ đó tạo cơ chế thông thoáng giúp các doanh nghiệp, người dân tiếp cận nhanh chóng gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho rằng, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại Bình Phước thời gian vừa qua là khá tích cực trong bối cảnh nền kinh tế cả nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Trong thời gian từ nay đến cuối năm, Phó Thống đốc đề nghị ngành Ngân hàng tỉnh Bình Phước tiếp tục giữ ổn định và triển khai nghiêm túc các chính sách tiền tệ của NHNN, mạnh dạn hơn trong quá trình tiếp cận khách hàng, xử lý những khó khăn vướng mắc trong tiếp cận các chính sách ưu đãi, ưu tiên, thúc đẩy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Song song đó, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ giãn hoãn thời gian trả nợ cho khách hàng để tăng thêm cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời mở rộng hoạt động đối thoại, kết nối giữa TCTD với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn, từ đó đồng hành tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng và các chủ trương điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.