Thực hiện đúng quy định của pháp luật, người mua vàng sẽ được bảo vệ quyền lợi
Đó cũng là giải pháp của TP. Hồ Chí Minh hiện nay để đảm bảo lợi ích và phát triển kinh tế - xã hội, tuân thủ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong thực thi pháp luật về vàng. Về vấn đề vàng miếng SJC 1 chữ và 2 chữ thời gian qua, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, ở góc độ quản lý, có thể nói vàng miếng SJC là sản phẩm thương hiệu Quốc gia, trong đó nhà nước quản lý và có quy định cụ thể về sản xuất gia công và mua bán vàng miếng SJC.
Vì vậy, vàng miếng SJC loại có ký hiệu 1 chữ và vàng miếng SJC có ký hiệu 2 chữ có chất lượng và giá trị như nhau. Nếu có sự phân biệt giữa 2 loại vàng miếng SJC này thì đó chỉ là thời điểm sản xuất và ký hiệu 1 chữ hay 2 chữ (là ký tự chữ cái trước dãy số sê – ri). Do vậy, người dân yên tâm về việc sở hữu vàng miếng SJC không có sự khác biệt về chất lượng và giá trị sản phẩm này giữa loại một chữ và hai chữ.
Các cơ quan chức năng trả lời câu hỏi quan tâm của báo chí trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh |
Về phía doanh nghiệp, công ty SJC là công ty Vàng bạc Đà quý thuộc sở hữu nhà nước, được cấp phép mua bán vàng miếng SJC và thực hiện một số chức năng nhiệm vụ có liên quan. Trong quá trình này, nếu có khó khăn vướng mắc, công ty SJC nói riêng và các đơn vị được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng SJC nói chung có trách nhiệm báo cáo, phản ánh kịp thời về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để có hướng dẫn, chỉ đạo xử lý.
Vì vậy, về mặt chính sách luôn đảm bảo cho người dân mua bán vàng miếng SJC diễn ra bình thường. Song hoạt động này phải đảm bảo đúng quy định như mua bán vàng miếng SJC đúng địa điểm (các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Ngân hàng nhà nước cấp phép kinh doanh vàng miếng SJC); chấp hành chế độ hóa đơn chứng từ, công khai minh bạch và các quy định khác có liên quan.
Trước đó, trả lời báo chí về biện pháp quản lý của TP. Hồ Chí Minh đối với thị trường vàng, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng các giải pháp của thành phố, giải pháp của cơ quan quản lý đều nhằm mục tiêu mang lại lợi ích chung cho nền kinh tế, cho người dân.
Trong đó, liên quan đến thị trường vàng và lĩnh vực mua bán vàng miếng đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hoạt động này liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ việc chấp hành nghiêm quy định về chế độ hóa đơn chứng từ, mẫu mã chất lượng sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm quản lý giá, thuế… đến điều kiện về kinh doanh. Do đó, biện pháp quản lý cần phải có công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để trao đổi cung cấp thông tin; để phối hợp nắm bắt tình hình, thanh tra kiểm tra; cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như làm tốt công tác thông tin, truyền thông… có như vậy mới đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trong chấp hành pháp luật đảm bảo thị trường hoạt động công khai minh bạch, đúng pháp luật; ổn định và phát triển, hạn chế rủi ro tiềm ẩn và bảo đảm lợi ích chung của nền kinh tế. Đó là các biện pháp quản lý cần được thực hiện và tổ chức thực hiện tốt. Và chính giải pháp này, nếu thực hiệu tốt sẽ đảm bảo cho thị trường vàng hoạt động lành mạnh, công khai và minh bạch.
“Vàng là hàng hóa đặc biệt, với yêu cầu về công tác quản lý nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế xã hội với mục tiêu chung mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế”, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết.