Thương hiệu Quốc gia Việt Nam khẳng định vị thế cao trên trường quốc tế
Thời gian qua, Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động và có độ mở cao nhất thế giới, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của ASEAN và thứ 40 thế giới. Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong Top121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng.
Từ kết quả trên cho thấy giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Nghi thức lễ khai mạc Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia năm 2024 |
Theo Bộ Công Thương, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg. Chương trình triển khai nhằm mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Ba tiêu chí cốt lõi của Chương trình là Chất lượng – Đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong.
Diễn đàn quốc tế Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là sự kiện thường niên trong khuôn khổ Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam với mục tiêu là tạo ra đối thoại chuyên sâu, đa góc nhìn thu hút được sự tham gia đông đảo các đại biểu từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức trong và ngoài nước cũng như doanh nghiệp liên quan tới xây dựng, phát triển thương hiệu.
Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu. Qua đó, nâng cao hơn khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thu hút đầu tư và phát triển ngoại thương.
Tuy nhiên, ông Tân cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra như chiến lược xuất khẩu chưa bền vững, tranh chấp thương mại quốc tế về thương hiệu vượt quá khả năng giải quyết của một doanh nghiệp, một ngành hay địa phương, sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô vẫn chưa rõ rệt, giá trị gia tăng trong sản phẩm còn chưa cao, mà một trong những nguyên nhân yếu kém là về thương hiệu. Vì vậy, để xây dựng và phát triển thương hiệu một cách hiệu quả thì cần tìm ra những giá trị cốt lõi, nổi bật. Thương hiệu phải gắn với sự khác biệt.
Với chủ đề “Nâng tầm những giá trị cốt lõi”, Diễn đàn năm nay có sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả đến từ cơ quan quản lý nhà nước, Đại học RMIT (Úc), và một số doanh nghiệp có sản phẩm Thương hiệu Quốc gia…
Tại diễn đàn, ông Arghya Mandal, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa TH (Tập đoàn TH) cho hay, những năm qua, DN người tiên phong xây dựng nền nông nghiệp sạch, hữu cơ; tìm thấy chiếc chìa khóa vàng trong nông nghiệp Việt Nam bằng cuộc cách mạng ứng dụng công nghệ cao, khởi dựng Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa năm 2008, xác lập kỷ lục Trang trại bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao lớn nhất thế giới (2020) với quy mô tiệm cận 70.000 con, ghi tên ngành sữa Việt Nam trên bản đồ sữa thế giới.
Ông Arghya Mandal nói, Tập đoàn TH đã đặt lợi ích riêng của mình nằm trong lợi ích chung của quốc gia. Không tìm cách tối đa hóa lợi nhuận mà là hợp lý hóa lợi ích. Con người là chủ thể của xã hội, là nguồn lực quyết định sự phát triển đất nước. Sự phát triển thể lực, trí lực và tâm hồn của mỗi cá nhân là rất quan trọng. Một quốc gia chỉ vững mạnh khi con người được phát triển toàn diện cả thể lực và trí lực, trong đó yếu tố tiên quyết cho sự phát triển này không những là nguồn dinh dưỡng thiết yếu như lúa, gạo, thực phẩm và các sản phẩm sữa mà cần có một chế độ chăm sóc sức khỏe bền vững. Đầu tư vào phát triển thể lực và trí lực là phát triển nòi giống của dân tộc, là đầu tư vào phát triển bền vững mang tính chiến lược quốc gia.
Còn ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Gỗ An Cường, quá trình xây dựng và phát triển các giá trị cốt lõi của sản phẩm Thương hiệu quốc gia phải xây dựng trên nhiều yếu tố. Đó là sự tạo ra những điểm khác biệt về vật liệu, công nghệ, giải pháp… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cung cấp hàng loạt các giải pháp theo công nghệ mới và tân tiến nhất của ngành gỗ công nghiệp như: tấm ván synchronize hiệu ứng đồng vân, tấm ván ID với giải pháp tay năm U-J-K-Z, tấm ván 2D với hiệu ứng gỗ thật và tấm 3D với hiệu ứng kim loại thật… Với những nỗ lực, bằng các bước tiến vững chắc trong ngành gỗ, An Cường trong 30 năm qua đã chiếm tình cảm của khách hàng là các nhà đầu tư dự án, kiến trúc sư, nhà thầu hay người tiêu dùng…
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đặc biệt, Chương trình luôn đồng hành hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp phát triển Thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào, sức hấp dẫn của đất nước và con người Việt Nam. Qua đó, góp phần thúc đẩy nhận thúc mối quan hệ mật thiết giữa Thương hiệu quốc gia với thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh…