Thương lắm hai tiếng “miền Trung”…!
Một góc thành phố Hội An sau cơn bão số 9 |
Nỗi đau chồng nỗi đau
Đành rằng chuyện mưa bão hàng năm là chuyện quá đỗi bình thường với người dân miền Trung quê tôi, thế mà sao khi bạn điện hỏi thăm khi cơn bão số 9 đi qua, trong tôi cứ nghèn nghẹn không nói thành lời. Lại thêm vụ sạt lở đất vùi lấp 53 người dân xảy ra tại xã Trà Len, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vào đêm 28/10, khi mà thi thể của những công nhân ở thuỷ điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) vẫn còn vùi sâu dưới lớp đất đá vẫn chưa tìm được? Trước đó, hàng chục cán bộ chiến sĩ quân đội thuộc Quân Khu 4 đã hy sinh khi bị vùi lấp bởi những vụ sạt lở núi vừa kịp đưa về an nghỉ nơi đất Mẹ. Chưa khi nào hai tiếng “miền Trung” quê tôi lại được nhắc đến với nhiều thổn thức như lúc này…!
Ngay trong đêm 28/10, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam về việc cứu hộ các nạn nhân bị vùi lấp tại huyện Nam Trà My...
Thủ tướng yêu cầu các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Và ngay rạng sáng ngày 29/10, các lực lượng chức năng gồm: Trung đoàn 885 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam), Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5)… đã tổ chức lực lượng cùng phương tiện cơ động lên hiện trường vụ sạt lở núi đặc biệt nghiêm trọng này.
Tuy nhiên, do hậu quả của cơn bão số 9, nhiều khu vực vào hiện trường đang bị chia cắt nên gây khó khăn cho công tác cứu nạn. Nỗi đau lại chồng nỗi đau, khi những thi thể của vụ sạt lở đất ở huyện Nam Trà My vừa được các đội cứu hộ tìm thấy, lại có thêm thông tin một vụ sạt lở núi ở huyện miền núi Phước Sơn, cũng thuộc tỉnh Quảng Nam khiến 11 người mất tích, hiện việc tiếp cận hiện trường tại khu vực này hết sức khó khăn…
Trong khi đó, ở khu chài lưới phường Tam Quan Nam thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, bầu trời sau bão đã quang đãng, nhưng lòng người đầy nước mắt về sự mất tích vô vọng của 26 ngư dân.
Theo thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng hai tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, chiều 27/10, hai tàu cá Bình Định trên đường tránh trú bão số 9 đã bị chìm, hiện 26 ngư dân trên hai tàu mất tích... Từ đất liền, những lời cầu nguyện đang khẩn thiết mong 26 người trở lại. Lực lượng chức năng đang nỗ lực mọi cách nhưng do khu vực 2 tàu chìm hiện đang gió cấp 10, cấp 11, sóng rất lớn nên chưa thể điều phương tiện và lực lượng ra tìm kiếm. Và khi chúng tôi viết bài này, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 4 cho biết: Hai tàu kiểm ngư đã tiếp cận được với hai tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định. Hiện các đơn vị liên quan đang dốc lực tìm kiếm 26 thuyền viên của 2 tàu cá trên tuy nhiên do thời tiết xấu khiến công tác cứu nạn diễn ra rất khó khăn.
Bão chồng bão
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, dải đất miền Trung đã hứng chịu liên tục 4 cơn bão. Nhưng có thể nói, bão số 9 với cường độ cực mạnh, quần thảo nhiều giờ đồng hồ trên đất liền khiến các địa phương từ Đà Nẵng đến Bình Định thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Khi bão số 9 đi qua, các địa phương tập trung hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trước mắt tỉnh tập trung giúp dân sửa chữa nhà hư hỏng do bão. Những nhà nào hư hỏng một phần, hư hỏng toàn bộ thì sử dụng các nguồn từ Quỹ phòng chống thiên tai, vận động thêm nguồn khác thông qua Mặt trận Tổ quốc hỗ trợ cho dân sớm khôi phục lại nhà cửa và điều kiện sản xuất. Thành phố Đà Nẵng tuy không phải là nơi bão đổ bộ chính, nhưng sau bão, nhiều cây xanh đã ngã đổ, nước biển tràn lên sát bờ. Nhiều ngôi nhà bị tốc mái; 11 xã, phường bị mất điện. Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng vẫn tiếp tục cho học sinh nghỉ học để tập trung khắc phục hậu quả bão số 9.
Khi người dân miền Trung còn chưa hết bàng hoàng vì sức tàn phá ghê gớm của cơn bão số 9, thì lại tiếp tục phải đối mặt với các cơn lũ thượng nguồn đổ về. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, sáng ngày 29/10, lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và sông Thu Bồn (Quảng Nam) đang lên; Nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai.
Trước tình hình mưa lũ phức tạp sau bão số 9, tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương rà soát phương án chi tiết ứng phó tình huống mưa, lũ lớn trên địa bàn để triển khai thực hiện, kịp thời ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi lưu ý: “Các huyện nằm ở vùng trũng di dời dân đến nơi an toàn nếu lũ về đột xuất, di dời các hộ dân ở các chân triền núi, dự phòng trường hợp sạt lở núi; bố trí lương thực, thực phẩm cho các hộ dân ở vùng sâu vùng xa, đảm bảo lương thực thực phẩm trong những ngày mưa lũ chia cắt”.
“Quê hương em nghèo lắm ai ơi. Mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn. Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm”. Những ca từ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương như đã đi vào tâm can của mỗi người dân miền Trung. Khi chúng tôi kết thúc bài viết này, thì cũng vừa hay tin, Đài khí tượng Nhật Bản đã phát tin bão Goni, cơn bão có khả năng vào Biển Đông thành bão số 10 và ảnh hưởng tới miền Trung Việt Nam…
Ôi, miền Trung của tôi…!