Thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng nhanh
Mặt trái của thương mại điện tử Ngành đồ uống có cồn tìm hướng đi mới trên sàn thương mại điện tử Cần kiểm soát chặt thương mại điện tử |
Tuy tăng trưởng nhanh nhưng thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế. |
Ngày 25/4, tại Hà Nội đã khai mạc Diễn đàn toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2024 (Vietnam Online Business Forum 2024) với chủ đề “Thương mại điện tử bền vững” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức.
Tốc độ tăng trưởng này cao hơn nhiều so với bức tranh tổng thể của nền kinh tế trước. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính GDP năm 2023 tăng 5,1% so với năm trước. Khu vực dịch vụ tăng 6,8%, trong đó ngành vận tải, kho bãi tăng 9,2%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,2%.
Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.232 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.859 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức bán lẻ và tăng 8,6% so với năm trước.
Như vậy, thương mại điện tử chiếm khoảng 10% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, cao hơn mức 8,5% của năm 2022.
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) cho biết, sự phát triển nhanh của thương mại điện tử gắn liền với sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực liên quan. Trong vài năm gần đây dịch vụ thanh toán và hoàn tất đơn hàng tăng trưởng nhanh chóng với công nghệ hiện đại đã góp phần thúc đẩy thương mại điện tử nói chung và bán lẻ trực tuyến phát triển mạnh mẽ.
Hoạt động xuất khẩu trực tuyến hình thức doanh nghiệp tới người tiêu dùng cuối cùng (B2C Cross Border Ecommerce) bước sang giai đoạn mới. Lĩnh vực công nghệ giáo dục tiếp tục tăng trưởng với những cơ hội thị trường mới. Đồng thời, sự tăng trưởng nhanh của lĩnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến và gọi đồ ăn công nghệ đã tác động tiêu cực tới môi trường, đặc biệt là phát sinh lượng lớn rác thải nhựa.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tuy tăng trưởng nhanh và liên tục nhưng có thể nói, thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn tồn tại những hạn chế; trong đó, doanh thu thương mại mới chỉ chiếm 8% trên tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Thương mại điện tử Việt Nam mới chỉ phát triển tập trung ở một số thành phố lớn. Đối với các địa phương cũng mong muốn để có thể thu hẹp khoảng cách này. Đặc biệt, sự liên kết giữa các nội vùng cũng như là các vùng để tận dụng cơ hội hiệu quả như là nguồn lực, nguồn nguyên liệu hay là vận chuyển logistics.
Ông Dũng cho biết, vấn đề vi phạm người tiêu dùng trong thương mại điện tử còn khá phổ biến, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng trong việc phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, thương mại điện tử nói chung cũng đang bộc lộ một số yếu tố chưa thực sự bền vững.
Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024, với nhiều thông tin và con số đáng chú ý.
Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổng hợp từ ba chỉ số thành phần, bao gồm: Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).
Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử 2024, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng với 87 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 84,3 điểm, đứng thứ ba là Bình Dương với 51,3 điểm.
Điểm trung bình của chỉ số năm nay là 23,1 điểm. Khoảng cách về thương mại điện tử giữa hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành còn lại là rất lớn. Khoảng cách giữa TP. Hồ Chí Minh so với tỉnh thấp nhất trong bảng xếp hạng là 76,4 điểm.