Tiềm năng của AI đối với thế hệ lãnh đạo kế nghiệp tại Việt Nam
Phân tích lợi nhuận đa chiều trong kế toán quản trị ngân hàng Sẽ đánh giá và công bố 100 doanh nghiệp bền vững Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về đổi mới sáng tạo |
Tại sự kiện, ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Doanh nghiệp tại PwC Việt Nam cho biết, khảo sát được thực hiện trên phạm vi toàn cầu. Hầu hết các đối tượng tham gia khảo sát đều là những NextGen - tức thế hệ lãnh đạo kế nghiệp doanh nghiệp gia đình đang trong độ tuổi từ 21 đến 39 và đóng các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp của họ.
Theo ông Cường, tăng trưởng kinh doanh, quản trị nhân tài là những yếu tố quan trọng mà thế hệ lãnh đạo kế nghiệp ưu tiên tại Việt Nam trong hai năm tiếp theo khi được khảo sát, điều này được thể hiện qua con số 39% lãnh đạo tham gia khảo sát ưu tiên các mục tiêu này. Đại diện PwC cũng cho biết thêm, việc dung hòa sự hiểu biết và tiếp nhận giữa thế hệ kế nghiệp và thế hệ đương nhiệm về các sáng kiến kỹ thuật số là rất quan trọng để khai thác tiềm năng đổi mới sáng tạo của thế hệ kế nghiệp trong các doanh nghiệp gia đình. Trong đó, việc tăng cường hệ thống quản trị và yếu tố niềm tin trong doanh nghiệp chính là chìa khóa thành công.
Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Doanh nghiệp tại PwC Việt Nam |
Trong bối cảnh mới, bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng kinh doanh nêu trên, thì áp dụng công nghệ cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của NextGen trong hai năm tới. Thế hệ lãnh đạo tương lai nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố nền tảng công nghệ (36%) và đảm bảo rằng nhân viên có những kỹ năng cần thiết để nắm bắt công nghệ mới (33%). Sự hiểu biết sâu sắc về các yếu tố then chốt tạo nên thành công trong kinh doanh đã thể hiện tầm nhìn rõ ràng của thế hệ kế nghiệp khi bước vào kỷ nguyên mới.
Theo Khảo sát CEO Toàn cầu thường niên lần thứ 27 khu vực PwC Châu Á Thái Bình Dương năm 2024, những tiến bộ công nghệ, đặc biệt là những công nghệ mới như GenAI, đã thúc đẩy các CEO điều chỉnh chiến lược kinh doanh của họ. 77% lãnh đạo doanh nghiệp dự đoán rằng GenAI sẽ ảnh hưởng và tạo ra những thay đổi đáng kể trong cách thức doanh nghiệp của họ kiến tạo, phân phối và nắm bắt giá trị trong vòng ba năm tới.
Những mục tiêu ưu tiên của NextGen Việt Nam trong hai năm tới, trong tương quan với NextGen toàn cầu |
Đồng tình với quan điểm này, thế hệ lãnh đạo kế nghiệp Việt Nam đang ngày càng bị thu hút bởi tiềm năng chuyển đổi của GenAI. Nghiên cứu cho thấy 82% bày tỏ sự quan tâm tích cực trong việc tìm hiểu về GenAI và 55% cho rằng họ am hiểu về GenAI. Không những vậy, 67% lãnh đạo kế nghiệp đến từ Việt Nam còn chia sẻ sự đồng thuận về tiềm năng của GenAI như là một công cụ mạnh mẽ để chuyển đổi kinh doanh.
Khai thác sức mạnh GenAI trong các doanh nghiệp gia đình
Báo cáo cho biết các doanh nghiệp gia đình Việt Nam chỉ đang ở giai đoạn đầu áp dụng những công nghệ mới, với 64% hiện vẫn chưa bắt đầu tìm hiểu về AI. Điều này cho thấy có sự khác biệt đáng kể giữa mục tiêu cá nhân của NextGen Việt Nam đối với GenAI và mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong việc thực hiện các sáng kiến đó.
Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu chuyển đổi đầy hứa hẹn. Gần một phần ba (27%) doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam cho biết họ hiện đang tìm hiểu và thử nghiệm các sáng kiến liên quan đến AI (tỷ lệ các doanh nghiệp cũng đang trong giai đoạn này trên toàn cầu là 37%). 76% NextGen Việt Nam tham gia khảo sát chia sẻ rằng doanh nghiệp của họ có thể sẽ tham gia vào các sáng kiến liên quan đến AI trong tương lai. Điều này cho thấy triển vọng tích cực về việc áp dụng công nghệ mới nổi này trong bối cảnh kinh doanh tại Việt Nam.
Mức độ áp dụng GenAI hiện tại của doanh nghiệp Việt Nam |
Lý giải về các con số cho thấy việc ứng dụng AI ở mức độ chưa cao, ông Phó Đức Giang - Giám đốc, Dịch vụ Niềm tin số và An toàn bảo mật thông tin của PwC Việt Nam cho biết, trên thực tế nhiều doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp gia đình hiện vẫn đang có những khó khăn trong việc ứng dụng AI có trách nhiệm. Phân tích sâu hơn, ông cho biết là bắt nguồn từ hành lang pháp lý, quy định cụ thể về ứng dụng AI một cách phù hợp. Hiện, Chính phủ mới ban hành Quyết định 127/QĐ-TTg năm 2021 về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 mang tính định hướng. Do đó, các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện mới sử dụng AI một cách dè dặt, lúng túng.
Nhìn chung, các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn chờ những hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chức năng để có thể mạnh dạn đầu tư, triển khai các công nghệ trí tuệ nhân tạo trong vận hành, quản trị. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp khó trong chuyển đổi số, vướng rào cản trong công nghệ cho nên vẫn còn gặp khó trong việc thu thập một lượng lớn dữ liệu - vốn là cơ sở quan trọng trong việc ứng dụng AI.
Cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên công nghệ mới
Các lãnh đạo kế nghiệp Việt Nam xem GenAI là chất xúc tác cho chuyển đổi kinh doanh, với các lợi ích được dự đoán như tăng năng suất của nhân viên (39%), tiết kiệm chi phí (39%) và nâng cao trải nghiệm của khách hàng (36%). Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược ứng dụng AI trong bối cảnh cạnh tranh ngày nay, góp phần định vị doanh nghiệp để đạt được thành công trong thời đại kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, trong các cuộc thảo luận về nâng cao kỹ năng của lực lượng lao động, NextGen Việt Nam cũng tái khẳng định vai trò quan trọng của AI. Hơn một nửa trong số những người tham gia khảo sát tin rằng GenAI sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực kỹ thuật số cho lực lượng lao động, vượt qua mức trung bình toàn cầu là 41%. Thông qua việc tận dụng những hiểu biết sâu sắc và tự động hóa từ AI, các doanh nghiệp có thể trang bị cho đội ngũ của mình những kỹ năng số cần thiết để thành công.
Thế hệ lãnh đạo kế nghiệp Việt Nam lo ngại về rủi ro tiềm ẩn từ GenAI trong doanh nghiệp |
Mặc dù những tiến bộ của AI mang lại những cơ hội không thể phủ nhận, chúng cũng đặt ra nhiều thách thức và rủi ro tiềm tàng cho NextGen Việt Nam. 73% dự đoán rằng AI sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường trong ba năm tới, dẫn đến áp lực duy trì vị thế dẫn đầu ngày càng tăng của doanh nghiệp trong bối cảnh bị chi phối mạnh mẽ bởi AI. 70% các lãnh đạo trẻ tham gia khảo sát nhận thấy sự khó khăn trong việc theo kịp sự phát triển của AI và 48% cảm thấy khó để khai thác AI hiệu quả.
Bên cạnh đó, hơn một nửa số lãnh đạo kế nghiệp tại Việt Nam (58%) bày tỏ lo ngại về nguy cơ gia tăng rủi ro an toàn bảo mật thông tin liên quan đến việc áp dụng GenAI. Điều này phản ánh nhận thức ngày càng cao về các lỗ hổng có thể phát sinh từ việc sử dụng các công nghệ mới này, chẳng hạn như vi phạm dữ liệu, vi phạm quyền riêng tư và an toàn bảo mật thông tin. Các rủi ro khác bao gồm truyền tải thông tin sai lệch (52%), trách nhiệm pháp lý và rủi ro danh tiếng (52%) và thiên kiến về nhóm khách hàng hoặc nhân viên cụ thể (39%).
Để giảm thiểu những rủi ro này, nhóm các lãnh đạo kế nghiệp Việt Nam được khuyến khích thiết lập các khuôn khổ quản trị rõ ràng cho việc sử dụng AI có trách nhiệm, đảm bảo việc triển khai công nghệ AI một cách có đạo đức và hiệu quả. Cách tiếp cận này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam củng cố niềm tin với các bên liên quan và định hướng tương lai cho sự thành công lâu dài và bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh AI đang phát triển.