Tiềm năng thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả trợ cấp xã hội
Những con số trên được thông tin tại Hội thảo về thí điểm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt do Bộ Lao động Thương binh Xã hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Úc tổ chức ngày 25/11. Chương trình này đã được thí điểm tại tỉnh Cao Bằng, sắp tới sẽ lập kế hoạch cụ thể để mở rộng phạm vi trên 3 tỉnh và hướng tới trên toàn quốc.
Theo Bộ LĐTB&XH, chi trả ASXH bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến |
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay, nước ta có khoảng 30% dân số là đối tượng cần sự trợ giúp. Trong đó có hơn 11,4 triệu người cao tuổi, khoảng 1,4 triệu hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 6,2 triệu người khuyết tật, trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có khoảng 3,75% hộ nghèo, 4,55% hộ cận nghèo, hơn 3,1 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị mua bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố.
Hiện tại, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là khoảng 15 triệu người; BHXH tự nguyện khoảng 500 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13 triệu người; bảo hiểm y tế khoảng 85 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số.
Các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội ngày càng được mở rộng, mức trợ giúp ngày càng cao hơn, đòi hỏi cần phải có công cụ hiện đại hơn trong việc quản lý chính sách và đối tượng tốt hơn.
Lý giải câu hỏi vì sao chi trả trợ cấp xã hội (TCXH) không dùng tiền mặt với rất nhiều ưu việt như giảm chi phí, tiện lợi vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam? Một chương trình thí điểm do Bộ Lao động Thương binh Xã hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Úc thực hiện đã cho thấy phần lớn người dân chuộng sử dụng tiền mặt vì cảm giác yên tâm khi nhận tiền trực tiếp. Đồng thời họ còn ngại ngần chuyển sang những phương thức khác vì sợ quy trình phức tạp, phát sinh chi phí và không tiện rút tiền nếu mạng lưới ngân hàng và ATM còn thưa thớt – tình trạng đặc biệt phổ biến tại các vùng sâu vùng xa.
Chương trình thí điểm ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt chi trả TCXH cho 3.000 người dân ở hai huyện Thạch An và Quảng Uyên (Cao Bằng) cho thấy những lo ngại trên của người dân hoàn toàn có thể được giải quyết.
Trong chương trình thí điểm, các đối tượng nhận TCXH đã được mở tài khoản tại một ngân hàng thương mại (SeABank) hoặc một ngân hàng số (ViettelPay). Người dùng được tiếp cận dịch vụ tài chính cơ bản như nhận, chuyển tiền, gửi tiết kiệm và thanh toán hóa đơn không mất phí. Cái hay của phương thức này là người sử dụng chỉ cần một chiếc điện thoại di động thông thường để thực hiện các giao dịch. Đồng thời họ có thể rút tiền mặt tại các đại lý của Viettel hay Bưu điện vốn có hệ thống điểm giao dịch và độ phủ sóng rộng.
So với phương thức truyền thống nhận chi trả tiền mặt tại điểm chi trả của Bưu điện hoặc UBND xã cố định trong một,hai ngày trong tháng, thì hình thức chi trả mớiđã mang lại nhiều ích lợi với cả với người hưởng lẫn cơ quan chi trả. Về phía cơ quan chức năng, ứng dụng thanh toán điện tử giúp giảm thời gian xử lý các giao dịch thủ công từ nhiều ngày xuống vài giờ, và đơn giản hóa thủ tục quyết toán. Về phía người dân, từ nay họ có thể nhận tiền vào tài khoản, giữ tiền, rút tiền một cách linh hoạt tại đại lý chi trả gần nhất ngay tại thôn xã của mình. Họ cũng không phải trả một khoản phí gì cho phương thức sử dụng tài khoản này.
Theo Ngân hàng Thế giới, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả TCXH cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan từ trung ương và địa phương. Về phía Chính phủ cần ưu tiên phát triển hạ tầng thanh toán quốc gia và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thanh toán không cần tiền mặt. Việc chuyển tiền chế độ TCXH vào tài khoản của người hưởng lợi là một bước quan trọng, nhưng sẽ không thể khả thi nếu không có mạng lưới các điểm chi trả rộng khắp cả nước, đến tận làng, bản. Viettel và Bưu điện đang là hai tổ chức đã có mang lưới rộng khắp này.
Thời gian tới cần cung cấp và thúc đẩy các dịch vụ cho các đối tượng tiềm năng. |
Đồng thời việc phát triển khung pháp lý để thừa nhận sự tồn tại và phát triển đồng tiền kỹ thuật số hay đại lý ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho việc mở rộng thanh toán điện tử diễn ra một cách nhanh và rộng hơn.
Với các đối tượng hưởng lợi sinh sống ở các vùng sâu vùng xa cũng như làm việc tại khu vực không chính thức thực tiễn cho thấy một trong các rào cản lớn khi tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống là do thiếu giấy tờ tùy thân được chấp nhận bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bài học từ chương trình thí điểm cho thấy để giải quyết được vấn đề này rất cần sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an địa phương. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước có thể xây dựng một quy trình đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản cho nhóm khách hàng này, trên cơ sở tận dụng khả năng kết nối chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý của nhà nước.
Các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán lớn với lợi thế mạng lưới rộng khắp cả nước có thuận lợi để tiếp cận các nhóm khách hàng tiềm năng, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa. Các đơn vị này cần đẩy mạnh các hoạt động quảng bá về các lựa chọn chi trả và hướng dẫn khách hàng mở tài khoản, giao dịch thanh toán qua các phương tiện điện tử. Ngoài việc thiết kế những gói dịch vụ với chi phí phù hợp với từng nhóm đối tượng, cần tiến tới mở rộng các lựa chọn cho người sử dụng bằng cách kết hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ để tích hợp các giao dịch chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng chung.
Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu của toàn thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Hiện nay Chính phủ đã có nhiều quyết sách để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó có chi trả TCXH. Những thành công của dự án thí điểm này thể hiện tiềm năng ứng dụng thanh toán điện tử trong chi trả các chế độ an sinh xã hội là rõ rệt, và khả năng mở rộng trên cả nước là khả thi trong thời gian từ nay đến 2025.
Theo Ngân hàng Thế giới, thanh toán điện tử trong năm 2020 bằng tiền mặt giảm còn 10%; trong đó 20-30% số tiền chi trả ASXH qua hệ thống ngân hàng; 50% chi trả lương hưu qua hệ thống ngân hàng. Phấn đấu đến 2030 đạt 100% cửa hàng chấp nhận TTKDTM; 70% dịch vụ tiện ích và viễn thông sẽ chấp nhận TTKDTM, 50% hộ gia đình thành thị sẽ sử dụng TTKDTM.