Tiền Giang: Gần 2.900 tỷ đồng cho vay trồng và chế biến sầu riêng
Tuần qua, NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang và UBND huyện Cai Lậy tổ chức Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp dành cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, xuất khẩu sầu riêng trên địa bàn.
Tại hội nghị này, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Tiền Giang và các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ trồng sầu riêng tại các huyện, thị xã Cai Lậy, Cái Bè và Châu Thành đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến nhu cầu vốn tín dụng cũng như các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn cho nhà vườn doanh nghiệp để phát triển loại cây trồng đặc sản này tại địa phương.
Theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang, hiện nay hoạt động cho vay phát triển sản xuất, xuất khẩu sầu riêng được các chi nhánh NHTM thúc đẩy khá mạnh. Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng dư nợ cho vay đối với ngành hàng sầu riêng tại địa bàn các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành và thị xã Cai Lậy là khoảng trên 2.883,2 tỷ đồng, với gần 9.500 khách hàng, chiếm tỷ trọng 12,14% tổng dư nợ cho vay trên 4 địa bàn kể trên.
Trong đó huyện Cai Lậy là địa bàn có dư nợ cho vay ngành sầu riêng nhiều nhất với tổng dư nợ gần 2.102,2 tỷ đồng. Đa phần khách hàng vay vốn là cá nhân, hộ gia đình vay với mục đích cải tạo sầu riêng và thu mua tiêu thụ sầu riêng, phục vụ chế biến xuất khẩu.
Hiện Tiền Giang có khoảng hơn 17.650 ha sầu riêng và trên 70 cơ sở đóng gói đủ tiêu chuẩn xuất khẩu loại trái cây này sang Trung Quốc |
Được biết, hiện nay tỉnh Tiền Giang là một trong những tỉnh có vùng trồng sầu riêng lớn nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Đến cuối 2022 tỉnh này có khoảng trên 17.650 ha sầu riêng. Trong đó hơn 10.500 ha đang cho sản phẩm với sản lượng trên 300.000 tấn/năm.
Hiện Tiền Giang cũng đang có khoảng gần 70 cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc với diện tích 2.400 hecta. Sầu riêng Tiền Giang chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu (chiếm 70% tổng sản lượng). Trong đó, thị trường chính là Trung Quốc.